Khoảng cách giữa giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng (NAV) – hay còn gọi là tỷ lệ chiết khấu – phản ánh nhu cầu và kỳ vọng thấp của nhà đầu tư với cổ phiếu của các quỹ đó.
Quỹ đầu tư vào danh mục hỗn hợp VOF ghi nhận mức chiết khấu 23,5% trong báo cáo tài chính năm 2014 kết thúc vào ngày 30/6. Đây vẫn là tỷ lệ rất lớn mặc dù đã được cải thiện so với tỷ lệ 26% của một năm trước đó.
Quỹ đầu tư vào cơ sở hạ tầng VNI chứng kiến mức chiết khấu mở rộng lên 32,3% từ tỷ lệ 32,1% của một năm trước đó. Trong khi đó, quỹ đầu tư vào bất động sản VinaLand đang chịu tỷ lệ chiết khấu lên tới gần 40%, theo số liệu của Bloomberg.
Những tỷ lệ chiết khấu lớn này vẫn khó có thể thu hẹp lại bất chấp các chương trình mua lại chứng chỉ quỹ liên tục của VinaCapital tại các quỹ đã kéo dài suốt nhiều năm. Chỉ riêng trong năm tài chính 2014, VOF đã chi ra 52,3 triệu USD để mua lại 23,1 triệu chứng chỉ quỹ, đồng thời giúp cho NAV trên mỗi chứng chỉ quỹ tăng thêm 42 cent. Từ khi bắt đầu chương trình vào 25/10/2011, VOF đã mua lại 86,4 triệu chứng chỉ quỹ, chiếm 26,6% tổng lượng chứng chỉ quỹ hiện đang lưu hành.
Trong khi đó, VNI đã chi ra 17,6 triệu USD để mua lại 50,4 triệu chứng chỉ quỹ. Tổng lượng chứng chỉ quỹ mua lại chiếm 12,5% tổng số chứng chỉ quỹ thường của Công ty.
“Lợi nhuận nhìn chung tốt,” Steven Bates, chủ tịch VOF viết. “Tuy nhiên, biến chuyển của mức chiết khấu thực sự là điều thất vọng”.
Tình trạng này, theo VinaCapital, phản ánh nhu cầu rất thấp của nhà đầu tư nước ngoài đối với các quỹ mở đầu tư vào Việt Nam.
“Dữ liệu này cho chúng tôi thấy rằng, vẫn còn quá nhiều nguồn cung các chứng chỉ quỹ của các quỹ đóng tại Việt Nam so với nhu cầu hiện có”, VOF viết trong báo cáo thường niên của Quỹ. “Có thể tỷ lệ chiết khấu sẽ giảm xuống một mức độ khi phần trăm của những tài sản bất động sản kém thanh khoản giảm xuống nhưng sẽ khó để thoát khỏi tình trạng chiết khấu nói chung đang diễn ra ở các quỹ Việt Nam”.
Thực tế, các quỹ đầu tư nước ngoài khác vào Việt Nam cũng đang chịu cảnh chiết khấu lớn giống VinaCapital. Vietnam Holding, quỹ đầu tư huy động từ Thụy Sỹ và có tăng trưởng NAV tương đối cao những năm gần đây cũng đang chịu tỷ lệ chiết khấu trên 20%, theo dữ liệu của Bloomberg.
“Nên lưu ý rằng, các quỹ đóng khác đầu tư vào Việt Nam cũng giao dịch ở mức chiết khấu đáng kể với tỷ lệ chiết khấu đặc biệt cao ở những quỹ đầu tư chuyên vào bất động sản và một phần chiết khẩu nhỏ hơn đối với những quỹ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết”, báo cáo của VOF viết.
Quỹ thậm chí dự kiến, “nếu chúng tôi không thành công trong việc thu hẹp chiết khấu, Ban quản trị sẽ cân nhắc những lựa chọn khác”.
Thực ra, các quỹ của VinaCapital đã báo cáo tăng trưởng khá. Trong khoảng thời gian này, giá trị của phần cổ phiếu trong danh mục của VOF tăng 24,3%, chủ yếu nhờ các cổ phiếu HPG, PVD, KDC đã lần lượt tăng 103%, 63% và 31%.
VNI ghi nhận mức tăng thấp hơn 15,4%. Quỹ này tăng đầu tư vào cổ phiếu dầu khí lên tới 19,9% NAV từ tỷ lệ 13,3% một năm trước đó. Phần vốn niêm yết trong danh mục, chiếm 48% NAV, đã đem lại 57% lợi nhuận trong năm tài chính 2014, chủ yếu nhờ vào các cổ phiếu HPG, PVD, PVS. VNI cũng củng cố vị thế ở các cổ phiếu tăng trưởng cao có giá hợp lý gồm GAS, DRC và FPT. Trong khi đó, VNI thoái các cổ phiếu đã tăng trưởng cao và khó có khả năng tăng tiếp gồm DPM và PGS, theo báo cáo của Quỹ.
Bản thân các quỹ của VinaCapital tiếp tục kỳ vọng vào một vài điểm tại Việt Nam. “Có một vài dấu hiệu hồi phục của giá trên thị trường bất động sản, và Ban Đầu tư cảm thấy rằng, giai đoạn xấu nhất của đợt giảm đã qua”, báo cáo VOF viết. Quỹ tiếp tục nhấn mạnh chiến lược giảm tỷ trọng đầu tư trực tiếp vào các dự án bất động sản thông qua bán phần vốn của mình tại một số dự án bất động sản.
VNI cũng dự tính giảm đầu tư trực tiếp vào bất động sản do “chúng tôi không phải là một nhà phát triển bất động sản” và tăng tỷ trọng tại các tài sản OTC do “những tài sản này không bị ảnh hưởng bởi tốc độ tư nhân hóa (Việt Nam gọi là cổ phần hóa)”.