Chiến thuật M&A khác người của Apple

0:00 / 0:00
0:00
Chọn lối đánh nhỏ, kín tiếng và không có sự tham gia của ngân hàng đã giúp Apple thực hiện thành công hàng loạt thương vụ M&A khác biệt so với đối thủ.
Apple thường tập trung mua lại các công ty đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ mà sở hữu những công nghệ bổ khuyết cho sản phẩm của họ. Apple thường tập trung mua lại các công ty đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ mà sở hữu những công nghệ bổ khuyết cho sản phẩm của họ.

Mua lại để bổ khuyết

Giám đốc điều hành của Apple, ông Tim Cook đã chia sẻ với các cổ đông vào tháng 2/2021 rằng, hãng công nghệ Mỹ đã mua lại khoảng 100 công ty trong vòng 6 năm qua. Như vậy, trung bình cứ 3 đến 4 tuần thì Apple tiến hành một thương vụ mua lại một công ty.

Số liệu thống kê cho thấy cỗ máy M&A của Apple hoạt động mượt mà đến ấn tượng. Chỉ một số ít trong số các thương vụ M&A có quy mô lớn như thương vụ trị giá 3 tỷ USD với nhà sản xuất tai nghe Beats Music vào năm 2014, còn lại phần lớn là thương vụ mua lại các công ty khá nhỏ dưới dạng thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA).

Trong khi các đối thủ lớn của Apple thường xuyên tiến hành những thương vụ M&A hàng tỷ USD, thì Apple đi theo một chiến lược riêng biệt. "Nhà táo" điều chỉnh chiến lược "mua lại" và nhắm vào các công ty nhỏ, biến chúng trở thành các công ty riêng cho nhân viên của mình.

Một số người gia nhập Apple thông qua thương vụ M&A tiết lộ với đài CNBC rằng, chiến lược của Apple tập trung vào thu hút các kỹ sư tài năng từ các công ty nhỏ và "Nhà táo" thường định giá các công ty đó theo số lượng kỹ sư và nhanh chóng sáp nhập họ về đội ngũ của mình.

M&A trở thành công cụ đắc lực giúp Apple mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực mà họ cần các kỹ sư tài năng hay lĩnh vực công nghệ có thể làm nên sự khác biệt của Apple với các đối thủ. Mặc dù mua lại là hình thức đầu tư phổ biến của các công ty công nghệ lớn, nhưng sự tập trung gần như toàn bộ của Apple vào việc thu gom các công ty nhỏ khiến "Nhà táo" trở nên khác biệt.

Ông Nicklas Nilsson, chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn M&A GlobalData cho biết: "Chúng tôi quan sát thấy các công ty lớn như Google, Facebook, Intel, và Amazon đã thực hiện nhiều thương vụ hàng tỷ USD". Trong khi, "Apple đi gom các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ thì những đối thủ khác lại chi mạnh để mua lại những công ty đã thành danh", ông Nicklas Nilsson nói thêm.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC vào năm 2019, CEO Tim Cook cho biết cách tiếp cận của Apple là xác định lĩnh vực mà công ty đang gặp những thách thức kỹ thuật và sau đó đi mua lại các công ty để giải quyết những thách thức đó. Đơn cử, việc mua lại AuthenTec vào năm 2012, giúp Apple phát triển công nghệ quét vân tay trên iPhone. "Chúng tôi cũng đã mua lại một công ty phát triển ứng dụng cảm biến vân tay Touch ID", Tim Cook nói.

Các thương vụ mua lại của Apple đã giúp hãng công nghệ Mỹ phát triển những tính năng độc đáo trên các dòng sản phẩm của mình. Vào năm 2017, Apple đã mua lại Workflow - ứng dụng giúp tự động hoá những việc người dùng thường xuyên làm trên iPhone/iPad, biến chúng thành một nút bấm đơn giản. Tiếp đến năm 2018, Apple mua Texture để phát triển dịch vụ tin tức Apple News+. Ngay cả trợ lý ảo thông minh Siri cũng là kết quả của một vụ mua lại vào năm 2010.

Apple cũng liên tục mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực thực tế ảo tăng cường, trí tuệ nhân tạo, bản đồ, y tế và chất bán dẫn, nhằm biến những sản phẩm hoặc tính năng trên sản phẩm mang tính tiên phong.

Định giá dựa trên kỹ sư

Nhiều giao dịch đã được Apple đưa vào tầm ngắm. Theo phân tích của CNBC dựa trên những thông tin được công bố, Apple đã mua lại 55 công ty kể từ tháng 1/2015. Con số này khớp với báo cáo mà Quốc hội Mỹ công bố vào năm ngoái, nhưng thấp hơn nhiều so với con số 100 công ty mà CEO Tim Cook đưa ra.

Những người tham gia vào quá trình mua lại của Apple cho biết hãng công nghệ Mỹ có sự suy xét khôn ngoan trong các thương vụ, điều không mấy ngạc nhiên khi công ty này luôn giữ kín các thương vụ.

Apple thường không công bố các thương vụ M&A quy mô nhỏ và khuyến cáo nhân viên của các công ty được mua lại không cập nhật hồ sơ công việc trên mạng xã hội LinkedIn bởi điều này có thể phát tín hiệu cho thấy họ đã được Apple mua lại. Nếu bị truyền thông đánh hơi về thương vụ và đặt câu hỏi, Apple thường xác nhận bằng một câu trả lời chung chung rằng họ "thường không thảo luận" về mục đích hoặc kế hoạch của mình đối với các công ty được mua lại.

Một ông chủ từng bán lại công ty cho Apple cho biết sau khi tin tức về thương vụ của ông bị rò rỉ, ông đã không thể phản hồi những lời chúc mừng từ bạn bè và người thân trong gia đình. "Ông chủ" công ty giấu tên này cho biết mọi thông tin liên quan đến thương vụ đều không được tiết lộ theo thỏa thuận bảo mật thông tin với Apple.

Dù các thỏa thuận mua lại giữa Apple và bên được đều khác nhau về chi tiết cụ thể, nhưng có một số điểm chung trong cách tiếp cận của Apple. Apple nhìn chung không quan tâm đến việc tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh của công ty được mua lại và buộc các đơn vị được mua lại phải ngừng sản xuất các sản phẩm hoặc từ bỏ khách hàng. Doanh thu mà các công ty được mua lại thường "phi định lượng" và không quan trọng đối với Apple. Riêng năm tài khóa 2020, "Nhà táo" ghi nhận 274,52 tỷ USD doanh thu.

Thế nhưng, Apple lại đặc biệt quan tâm đến các kỹ sư và coi đây là "những cá nhân có đóng góp" cho hãng công nghệ từ Thung lũng Silicon. Theo những người đã tham gia vào quá trình mua lại của Apple, hãng công nghệ này ít quan tâm đến việc thuê nhân viên hỗ trợ trong quá trình M&A. Apple thường đưa ra các điều kiện giao dịch rằng một lượng kỹ sư của công ty được mua lại phải gia nhập Apple nếu thương vụ được thông qua.

Thực chất, những kỹ sư này nhận được cái gọi là "chiếc còng tay vàng" hoặc những gói cổ phiếu lớn và được trả cổ tức. Một số người thạo quy trình M&A của Apple cho biết "Nhà táo" định giá các công ty mua lại dựa trên số lượng kỹ sư, với mức giá khoảng 3 triệu USD cho mỗi kỹ sư, thay vì dựa trên hồ sơ kinh doanh hoặc hoạt động huy động vốn.

Vắng mặt ngân hàng

Thông thường, quy trình mua lại của Apple được bắt đầu sau khi các công ty công nghệ đến chào hàng với nhóm kỹ thuật của Apple. Apple thường mời các công ty đến giới thiệu công nghệ mà hãng này muốn hợp tác hoặc cấp phép, và đôi khi những cuộc họp này lại khởi động luôn quá trình mua lại của "Nhà táo".

Một người thạo quy trình M&A cho hay, khi trưởng các nhóm kỹ thuật của Apple quyết định cần sở hữu công nghệ hay kỹ sư tài năng nào đó, họ sẽ đề xuất với nhóm chuyên trách M&A. Đơn vị này có trách nhiệm hỗ trợ các nhóm kỹ thuật của Apple thực hiện giao dịch một cách suôn sẻ.

Sau khi giao dịch hoàn tất, Apple có một nhóm chuyên sáp nhập các nhân viên mới vào từng nhóm kỹ thuật cụ thể của hãng này. Dấu hiệu thành công của thương vụ mua lại là các "cá nhân đóng góp" gia nhập Apple thông qua thương vụ, vượt qua vách đá cạnh tranh đầu tiên với việc sở hữu lượng lớn cổ phiếu Apple và có thể ở lại với công ty cũ trong vài năm.

Đối với các thương vụ nhỏ hơn, Apple thường không cần đến sự tham gia của phía ngân hàng. Nhóm chuyên trách M&A của Apple trực tiếp thẩm định, lấy ý kiến các thành viên trong nhóm và triển khai giao dịch cho đến khi hoàn tất. Một người giấu tên theo quy định bảo mật thông tin thương vụ nói với đài CNBC rằng đội ngũ M&A của Apple đáng tin cậy và chuyên nghiệp đến khác thường so với các công ty khác mà ông ta từng tham gia đàm phán.

Liên tục mua lại các công ty để bổ khuyến công nghệ và phát triển sản phẩm đã giúp Apple mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng. Đơn cử, trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo tăng cường, Apple đã mua lại 12 công ty kể từ năm 2013 khi họ mới thành lập đơn vị phát triển công nghệ (TDG). Theo các báo cáo, Apple đang nghiên cứu phát triển một tai nghe thực tế ảo (VR) cao cấp và dự kiến cho ra mắt vào năm 2022, và các loại kính nhẹ và tiên tiến hơn vào năm 2023 hoặc sau đó.

Để chuẩn bị cho những siêu phẩm này, trước đó Apple đã thâu tóm đơn vị phát triển kính thông minh Akonia Holographics vào năm 2018. Đến năm 2020, Apple mua lại NextVR, công ty chuyên cung cấp nội dung cho tai nghe thực tế ảo, và startup thực tế ảo Spaces của hãng phim hoạt hình Mỹ DreamWorks Animation nhằm tạo ra những trải nghiệm thực tế ảo dựa trên vị trí.

Gần đây, Apple triển khai nhiều thương vụ mua lại các công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đã có 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực này được Apple mua lại kể từ năm 2016, theo dữ liệu của GlobalData.

Hiện nay, các kỹ sư tài năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trở nên đắt giá vì được nhiều công ty săn đón. Chiêu mộ các kỹ sư này cũng là điều Apple chú trọng trong bối cảnh "Nhà táo" đang nỗ lực cải tiến trợ lý ảo Siri để cạnh tranh với trợ lý ảo Alexa của Amazon và Google.

Năm 2020, Apple mua lại một công ty có trụ sở tại Seattle có tên Xnor.ai với giá 200 triệu USD. Tiếp theo đó, Apple mua lại Công ty phát triển nền tảng cho các trợ lý giọng nói ảo Voysis của Ireland. Năm 2019, Apple mua lại Pullstring - công ty chuyên sản xuất các công cụ để chế tạo đồ chơi biết nói.

Apple hoàn toàn có thể tiến hành những cuộc chơi M&A cỡ lớn hơn với tiềm lực hơn 200 tỷ USD giá trị tiền mặt và các khoản đầu tư dễ thanh khoản, cùng hơn 80 tỷ USD dòng tiền tự do hàng năm. Tuy nhiên, Apple lại rất thận trọng, khiến nhiều công ty tài chính và ngân hàng cho rằng thương vụ M&A lớn không phải là một phần trong các thỏa thuận bảo mật thông tin (DNA) giữa Apple và đối tác.

Trong quá khứ, các ngân hàng ở Phố Wall từng đã khuyến khích Apple thực hiện một thương vụ lớn và Apple đã chi 1 tỷ USD để mua lại mảng sản xuất modem không dây của Intel với 2.200 nhân sự vào năm 2019.

"Chúng tôi không ngần ngại xem xét các thương vụ mua lại ở bất kỳ quy mô nào. Nhưng ưu tiên của chúng tôi là việc định giá và sự phù hợp với chiến lược, và chúng tôi thường tập trung vào các công ty đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ, những đơn vị đang phát triển các công nghệ bổ sung cho sản phẩm của chúng tôi và giúp thúc đẩy phát triển các sản phẩm", Tim Cook cho biết tại cuộc họp cổ đông gần đây.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục