Chiến lược xanh giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn

(ĐTCK) Các chương trình cải cách của Việt Nam đang đi đúng hướng. Những chương trình cải cách này được thực hiện theo trình tự hợp lý, hiệu quả sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam như củng cố, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô cũng như khả năng thích ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, đồng thời nâng cao chất lượng phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động. Đây là điều kiện quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn.
Chiến lược xanh giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn

Không thể tự thỏa mãn

Năm 2017, các hoạt động kinh tế tại Việt Nam được thúc đẩy toàn diện, với sự hỗ trợ của một số yếu tố tích cực cả trong và ngoài nước. Trong nước duy trì được mức tiêu dùng mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát duy trì ở mức thấp và mức lương tăng. Về đầu tư cũng có kết quả tốt nhờ kết hợp chính sách nới lỏng tiền tệ và nâng cao thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cũng như thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) đạt mức kỷ lục.

Trên phương diện quốc tế, 2017 cũng là một năm thành công. Tăng trưởng GDP toàn cầu vượt mức dự tính, khi hoạt động thương mại phục hồi và tình hình tài chính thuận lợi. Những yếu tố này chắc chắn đã giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam - một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới.

Chiến lược xanh giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng về dài hạn ảnh 1

 Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Tuy vậy, chúng ta không thể tự thỏa mãn với những thành quả phát triển tích cực này, vì vẫn còn những nguy cơ hiển hiện, gồm cả nguy cơ trong nước lẫn quốc tế, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm nay và trong trung hạn. Bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều yếu tố đáng lo ngại, như mức nợ công cao và tỷ lệ nợ xấu đáng kể của hệ thống ngân hàng, cũng như một loạt các yếu tố khó đoán định trên thế giới.

Vì vậy, tôi cho rằng, những kết quả tích cực hiện nay là một cơ hội để tiếp tục tăng trưởng và thúc đẩy cải cách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam nên tiếp tục phát triển theo hướng này khi đang trong thời điểm thuận lợi, cũng như có thể nói khi cơ thể còn khỏe mạnh thì ta nên tích cực vận động hơn.

Trước hết, thành quả phát triển kinh tế vĩ mô tích cực mà Việt Nam đã đạt được sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Duy trì tăng trưởng và tạo việc làm là những phương tiện hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và cải thiện phúc lợi. Mức thu nhập thực khả dụng của hộ gia đình được cải thiện nhờ duy trì lạm phát thấp, tăng cường tạo việc làm và nâng mạnh mức lương. Những yếu tố này giúp tăng cường giảm nghèo. Trên thực tế, tỷ lệ đói nghèo cùng cực, căn cứ vào mức nghèo thế giới là 1,9 USD/ngày, ước tính đã giảm xuống dưới 3%.

Về mạng lưới an sinh xã hội, Nhà nước đã liên tục có các biện pháp xóa nghèo đối với những đối tượng còn lại, nhất là người dân tộc thiểu số. Theo tính toán của chúng tôi, người dân tộc thiểu số hiện chiếm khoảng 3/4 số người nghèo ở Việt Nam. Dù đã có một số tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách lớn về mức tiếp cận các dịch vụ đời sống cơ bản của người dân tộc thiểu số như giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh. Vì vậy, cần tăng cường cung cấp dịch vụ và các cơ sở hạ tầng cơ bản, đồng thời tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế quốc dân.

Trở ngại cần vượt qua

Dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017, nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn cần phải vượt qua để duy trì thành quả kinh tế và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Để làm được điều đó, trước hết, phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển như tăng cường cải cách trong quản lý đất đai, cải tổ DNNN, cải cách ngành ngân hàng, hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước.

Thứ hai, Việt Nam cần có hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng, nhu cầu về điện năng dự báo sẽ tăng 7 - 10%/năm, lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12%/năm.

Vì thế, Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được những nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có để tránh rơi vào trường hợp “nút cổ chai” về cơ sở hạ tầng - tức là chú trọng hơn vào nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tăng cường và khai thác nguồn vốn tư nhân phù hợp.

Một số dự án quan trọng tầm quốc gia, như các dự án sản xuất điện năng (nhất là sản xuất điện tái tạo), xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường sắt quốc gia hay Sân bay Long Thành tại khu vực TP. HCM sẽ được hưởng lợi nếu có cơ chế đầu tư PPP phù hợp.

Thứ ba, Việt Nam cần có mô hình lồng ghép để đối phó với những vấn đề về khí hậu ở những khu vực có nguy cơ cao như Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung, như quy hoạch lồng ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, cũng như chuyển đổi cơ cấu thích ứng với khí hậu cả trong sản xuất và đời sống.

Thứ tư, là nâng cao trình độ và xây dựng nguồn vốn con người theo kịp thế kỷ 21. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới đi kèm với sự ra đời của các công nghệ mới và cách mạng công nghiệp 4.0.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc và xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học, hướng nghiệp chất lượng cao để bảo đảm có được một lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhanh chóng.

Cuối cùng, tôi mong Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng lợi nhiều hơn từ quá trình hội nhập quốc tế, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt trình độ, chuyển giao/lan tỏa công nghệ, cũng như các cải thiện về trình độ quản lý. Tôi mong Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội này để thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035, để thực sự trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao trong thời gian tới.

Triển vọng kinh tế năm 2018 là khả quan. Nếu không có biến động lớn thì chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu. Triển vọng chung dù thuận lợi, nhưng nguy cơ cũng sẽ có nhiều.

Tính trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy đang có sự bất định lớn về chính sách và dự kiến sẽ tiếp tục có sự thu hẹp về thanh khoản. Vì thế, cần tập trung vào những chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng để nâng cao sức kháng chịu của Việt Nam trước những biến động, cũng như tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.

Năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đi theo hướng tăng trưởng xanh, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách bền vững và giảm nghèo. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Hiệp định Paris, cam kết giảm phát thải khí nhà kính nhằm giảm tốc độ biến đổi khí hậu.

Nhóm Ngân hàng Thế giới là đối tác quan trọng, giúp Việt Nam huy động nguồn lực, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện các thay đổi chính sách. Kể từ khi hiệp định đầy tham vọng về biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris tháng 12/2015, nhiều hoạt động quan trọng đã được thực hiện:

Tháng 6/2016, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tài trợ chính sách phát triển đầu tiên trị giá 90 triệu USD trong khuôn khổ 3 chương trình về cải cách chính sách tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm các hoạt động như tăng cường quản lý vùng ven biển, rừng ngập mặn và sử dụng nước nhằm nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh; cải tiến quy chuẩn giao thông và công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng không khí; đẩy mạnh sản xuất sạch và tiết kiệm; sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới còn tài trợ chương trình đầu tư đồng bộ vào ứng phó biến đổi khí hậu và bền vững sinh kế vùng Đồng bằng sông Cửu Long trị giá 310 triệu USD được phê duyệt tháng 6/2016. Chương trình nhằm hỗ trợ nông dân và ngư dân tại các địa bàn dễ bị tổn thương trong khu vực thông qua hoạt động tăng cường quản lý lũ lụt thượng nguồn, giải quyết tình trạng nhiễm mặn và bảo vệ các vùng ven biển.

Ngân hàng Thế giới đang giúp phối hợp các hoạt động đưa ngành điện phát triển theo hướng phát thải các-bon ít hơn, trong đó phải kể đến công tác chuẩn bị dự án tiết kiệm năng lượng các xí nghiệp công nghiệp tại Việt Nam nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và hỗ trợ xây dựng lộ trình quốc gia nhằm sản xuất 12 GW điện mặt trời vào năm 2030.

Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật và hoạt động của Quỹ tín thác Tăng trưởng xanh Hàn Quốc (KGGTF) tập trung vào các vấn đề như hiệu quả năng lượng của các thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) và Surabaya (Indonesia), phát triển năng lượng mặt trời, các ưu tiên chính sách tăng trưởng xanh nói chung và khu vực công nghiệp sinh thái. KGGTF cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế giúp Việt Nam với kinh nghiệm từ Hàn Quốc nhằm xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, với mục đích không chỉ hướng tới giảm ô nhiễm mà còn xác định những lĩnh vực mà các ngành công nghiệp có thể bổ trợ cho nhau.

Với sự giúp đỡ của Quỹ Tư vấn phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPIAF), Ngân hàng Thế giới đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật giúp tăng cường hiệu suất và năng lực ứng phó biến đổi khí hậu trong ngành đường sắt Việt Nam. Hiện nay, vận tải đường sắt chiếm chưa tới 3% tổng lượng vận tải hàng hoá và hành khách, nhưng tiềm năng đóng góp vào giải pháp chống biến đổi khí hậu của ngành này rất lớn vì lượng phát thải các-bon trên mỗi tấn hàng hoá và hành khách vận chuyển thấp hơn so với vận tải đường bộ.

Sau đợt hạn hán và nhiễm mặn cuối năm 2015, đầu năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã xuất bản một tóm tắt chính sách về quản lý rủi ro thảm hoạ tổng hợp, trong đó nêu rõ các cơ hội tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ tốt hơn các thành quả phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh rủi ro thời tiết và các rủi ro tương tự khác.

Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục