Chiến lược nào phù hợp khi thị trường giao dịch trong biên độ hẹp?

(ĐTCK) Thanh khoản thấp, thị trường giao dịch trong biên độ hẹp khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi: Phải chăng thị trường sắp có đáy trung hạn?
Giai đoạn hiện tại đòi hỏi nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ hơn giữa bảo vệ tài sản và mạo hiểm kiếm tiền. Ảnh: Shutterstock.

Còn đó 3 thách thức lớn

Sau vài phiên thăng hoa ngắn hạn, VN-Index lại tiếp tục cho thấy sự yếu đuối của mình ở ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm, cùng với đó là thanh khoản èo uột.

Quan sát diễn biến thị trường những phiên gần đây, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cho rằng, thị trường vẫn đang đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là: Dao động trong vùng điểm số hẹp, thanh khoản thấp và khối ngoại vẫn đẩy mạnh thoát hàng ở nhiều cổ phiếu bluechip lớn.

Theo ông Kiên, đây là 3 rủi ro lớn với thị trường trong giai đoạn hiện tại. Xu thế ngắn hạn của thị trường vẫn là giảm giá, nên nhà đầu tư cần thận trọng, giao dịch biên độ hẹp, tránh giao dịch ồ ạt để quản lý rủi ro, bảo vệ tài khoản.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Kiên cho rằng, đáy trung hạn có thể xuất hiện vào cuối tháng 9 hoặc giữa quý IV.

Dù đối mặt với không ít thách thức, nhưng năm 2022 nói chung, nửa cuối năm nói riêng, thị trường vẫn được hưởng lợi từ 2 chính sách quan trọng là gói hỗ trợ, kích thích phục hồi kinh tế, dòng tiền đổ nhiều vào các dự án giao thông lớn, kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành được cải thiện. Cùng với đó, việc duy trì chính sách tiền tệ có phần nới lỏng, hỗ trợ các doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng cũng có những tác động tích cực lên thị trường.

Ngoài ra, các tin xấu liên quan đến thị trường đang ít dần, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh vào cuối năm cũng sẽ làm thị trường ấm lên.

"Cổ đất" đã giảm sâu và nhà đầu tư có thể cân nhắc dần cho việc giải ngân. Ảnh: Shutterstock.

Còn theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán Tân Việt, 3 yếu tố thách thức lớn với thị trường hiện là thanh khoản, yếu tố vĩ mô và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nam cũng cho rằng, thị trường còn phụ thuộc cả vào những yếu tố như câu chuyện Fed tăng lãi suất, hay các vấn đề về suy thoái.

“Hiệu quả kinh doanh các nhóm ngành hàng đầu như ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản không quá xấu thì thị trường mới giữ được sự ổn định. Khi thanh khoản thấp như hiện tại thì các thông tin vĩ mô trong và ngoài nước sẽ giữ vai trò quan trọng. Ví dụ như câu chuyện về lãi suất hay lạm phát (đang ổn), nhưng nếu các chỉ số này thay đổi khoảng 1% thì các chỉ số kết cấu khác sẽ tăng lên, dẫn đến thị trường mất sự ổn định”, ông Nam nói và cho biết thêm, có thể đáy trung hạn sẽ xuất hiện sau 1 – 2 tháng nữa, tuỳ vào các yếu tố vĩ mô.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE, thị trường đã cho thấy những tín hiệu lạc quan hơn một chút về thanh khoản những phiên gần đây. Thanh khoản đang quay trở lại một cách nhẹ nhàng trên thị trường và cho thấy chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, có một điều cần quan tâm là dịch bệnh, thời kỳ lãi suất thấp đã qua nên việc mong đợi quy mô thị trường có những phiên trên 20.000 tỷ đồng là khó có thể xảy ra trong ngắn hạn. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần thích nghi với trạng thái mới về thanh khoản và cần có chiến lược lựa chọn cổ phiếu một cách “khó tính” hơn với thời gian trước.

Dòng tiền “ngập ngừng”

Quan sát thị trường thời gian gần đây, không khó để thấy rằng, khi thị trường mới vừa bước vào “hưng phấn nhẹ”, tăng điểm nhẹ thì nhiều nhà đầu tư đã thực hiện chốt lời. “Gồng lỗ” quá lâu khiến tâm lý thoát hàng đang chi phối khá mạnh và khiến cho dòng tiền khó có thể bứt phá.

Về diễn biến giá cổ phiếu, theo ông Nam, thị trường thời gian qua cho thấy, với các cổ phiếu có kết quả kinh doanh tương đối tốt thì đã có mức điều chỉnh khá lớn, nhưng hiện tại vẫn giữ được mức giá khá cao. Hiện tại, các thông tin về kết quả kinh doanh đang dần được công bố, yếu tố xấu đã phản ánh vào giá cổ phiếu giai đoạn vừa qua rồi, nên các nhóm cổ phiếu giảm sâu như ngân hàng, chứng khoán, hay thép có thể sẽ giao dịch tương đối ổn định và trong thời gian ngắn thì chưa có nhiều biến động. Dòng tiền sẽ có xu hướng tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như logistics, thuỷ sản.

Nhận định về xu hướng dòng tiền trên thị trường thời gian tới, ông Nam cho rằng, thị trường cần chờ đợi thêm thông tin về mặt vĩ mô và các doanh nghiệp trên sàn phải có tín hiệu tích cực về kết quả kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phải cao hơn kỳ vọng của nhà đầu tư, vượt trên các suy đoán của thị trường thì dòng tiền mới quay lại mạnh mẽ. Nói cách khác, thị trường phải xuất hiện nhiều hơn các cơ hội đầu tư hấp dẫn mới có thể hút dòng tiền trở lại.

Với các nhà đầu tư, theo ông Nam, giai đoạn hiện cần thận trọng, chưa nên mở rộng danh mục một cách mạnh mẽ, vì kể cả quan sát về mặt kỹ thuật thì thị trường vẫn chưa hình thành xu hướng rõ ràng, các cơ hội lớn chưa rõ ràng.

Còn theo ông Kiên, năm 2022 có 2 chính sách quan trọng là gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế, trong đó dòng tiền đổ nhiều vào các dự án giao thông lớn, kết nối hạ tầng giữa các tỉnh – thành. Ngoài ra, điểm kích thích nữa là đang duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Ông Kiên đánh giá, những tháng cuối năm có thể tình hình thị trường sẽ khả quan hơn, các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công có cơ hội hưởng lợi, tăng giá. Nhóm bất động sản, xây dựng đã giảm giá lớn từ đầu năm, trung bình ở mức khoảng 45%, cá biệt có cổ phiếu khoảng 60%, nên dòng tiền đã dần hấp dẫn trở lại, bứt phá tốt, dòng tiền đã tham gia mạnh hơn, chủ động hơn vào nhóm cổ phiếu này. Do đó, thời gian tới, cổ phiếu nhóm này sẽ có cơ hội thu hút dòng tiền tốt.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục