Chiến lược đầu tư hiệu quả và phương án bảo toàn vốn là tiêu đề hội thảo do Công ty Chứng khoán Sài Gòn tổ chức chiều 10/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội. ĐTCK xin giới thiệu một số đánh giá và khuyến nghị đầu tư của Giám đốc Tư vấn đầu tư, SSI, Nguyễn Đức Hùng Linh trước thềm hội thảo này.
Với dự báo lạm phát năm 2011 từ 18-20%, theo chúng tôi, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục xu hướng thắt chặt đến hết năm. Lãi suất sẽ vẫn ở mức cao, mặc dù có thể giảm nhẹ 1%-2%. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm tiền thông qua tái cấp vốn và mua ngoại tệ, nên lãi suất có xu hướng hạ nhiệt. Việc hạ lãi suất vào cuối năm có thể sẽ thực hiện bằng các biện pháp gián tiếp như vậy.
Về TTCK, dòng tiền trong nước vẫn sẽ hạn chế do chính sách tiền tệ thắt chặt và các quy định về hạn chế cho vay chứng khoán. Luồng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng khó có đột biến. Cuối 2009 và trong cả năm 2010, luồng tiền đổ vào thị trường mới nổi tăng mạnh, nhưng từ năm 2011, luồng tiền này đã giảm đáng kể. TTCK Mỹ và châu Âu có thể sẽ có điều chỉnh và đi ngang trong thời gian tới và các NĐT quốc tế sẽ cân nhắc chuyển vốn sang các nước đang phát triển. TTCK Việt Nam có lợi thế là đang ở mức định giá rất thấp, nhưng nhà ĐTNN vẫn còn quan ngại đến những bất ổn vĩ mô và tính minh bạch của Việt Nam.
Thực tế, giao dịch của nhà ĐTNN tại SSI gần đây chủ yếu là tái cơ cấu danh mục và giao dịch của các quỹ ETF. Hiện cũng xuất hiện một số tổ chức mới quan tâm đến thị trường và đang chuẩn bị giải ngân. Các tổ chức này có xu hướng quan tâm đến các cổ phiếu ngân hàng, vốn hóa lớn và ngành nghề cơ bản như FPT, VCB, HPG, DPR…
Theo chúng tôi, tăng trưởng kinh tế cả nước sẽ chậm lại và ở quanh mức 6,5-7%. Lạm phát chưa thể hạ nhiệt sớm khiến định hướng chính sách tiền tệ và tài khóa chưa thể thay đổi nhiều. Chính phủ mới phải nỗ lực nhiều khi phải tiếp quản một nền kinh tế có nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết. Khó có thể hy vọng nhiều vào các năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhưng sức tăng trưởng có thể sẽ tích cực hơn trong giai đoạn 2013-2014.
Với những dự báo như trên, theo chúng tôi, TTCK từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay cả khi thị trường chạm đáy và hồi phục thì VN-Index cũng sẽ khó có những đợt sóng tăng mạnh như hồi 2009 bởi thiếu sự hỗ trợ của luồng tiền. TTCK sẽ hồi phục chậm cùng với đà hồi phục dần của cả nền kinh tế.
Thống kê về 5 kênh đầu tư chính 1 năm qua cho thấy, VN-Index (trừ MSN, BVH, VIC) mang đến mức lỗ 30%. Viễn cảnh của chứng khoán chưa thực sự sáng sủa, nhưng lúc này là cơ hội đầu tư giá trị khi nhiều cổ phiếu rơi xuống mức rất thấp. Kênh đầu tư bất động sản có lợi nhuận dao động rất mạnh (-50% đến +40%), nhưng thị trường bất động sản dự báo sẽ còn trầm lắng trong thời gian dài, nên rủi ro giảm giá và đọng vốn khi đầu tư là rất cao. Kênh đầu tư ngoại tệ mang lại lợi nhuận khá tốt, nhưng tại Việt Nam, đầu tư ngoại tệ chịu rủi ro khá lớn về chính sách, hiện thời NHNN không cho giao dịch đồng USD tự do. Kênh gửi tiết kiệm mang lại lợi nhuận khoảng 15%, nhưng trong bối cảnh lạm phát cao, người gửi tiền phải chịu lãi suất thực âm. Riêng kênh đầu tư vàng đang cho thấy tỷ suất lợi nhuận rất lớn (45%), nhưng giá vàng biến động khó dự đoán và rủi ro chính sách khá lớn bởi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng. Mỗi kênh đầu tư có một ưu thế và hạn chế riêng. Khi tham gia đầu tư, mỗi NĐT sẽ lựa chọn cho mình một danh mục đầu tư phụ thuộc vào mức độ chịu rủi ro và khả năng quản lý.
Theo quan sát của chúng tôi, giá chứng khoán thời gian qua đã xuống mức rất thấp, tương đương với thời kỳ khủng hoảng 2008, mặc dù kinh tế Việt Nam và thế giới đang trong quá trình hồi phục. 3 ngành tiêu biểu có P/E rơi xuống mức thấp, xấp xỉ mức hồi khủng hoảng 2008 trong khi cả 3 đều là những ngành có tiềm năng tốt là ngành thiết bị và dịch vụ dầu khí, cao su tự nhiên và nhựa xây dựng. Một thống kê đáng lưu ý là, trong khi HNX-Index return là -55,9% thì SSI 30 return là 1,86%. Điều này có nghĩa trong giai đoạn khó khăn, đầu cơ sẽ lỗ lớn, trong khi đầu tư theo cơ bản sẽ bảo toàn được vốn và vẫn có khả năng tạo lợi nhuận. Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị đầu tư cơ bản vào chứng khoán (giá thấp, công ty có tăng trưởng tốt và ổn định, tài sản có giá trị, có khả năng trả cổ tức).