Thời điểm này, người dân, các trang trại và doanh nghiệp đang bước vào cao điểm sản xuất thực phẩm phục vụ Tết. Thế nhưng, hàng loạt vụ việc tồn dư kháng sinh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản… được phát hiện gần đây khiến dư luận bàng hoàng, trong khi cơ quan quản lý dường như bất lực.
“Con đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa của chúng ta chưa bao giờ ngắn thế”, câu nói của một Đại biểu quốc hội tại nghị trường tuần qua đã lột tả chân thực tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước ta hiện nay. Nguy cơ mua phải lương thực, thực phẩm mất an toàn đối với người dân xảy ra hàng ngày, hàng giờ.
Việt Nam sắp ký Hiệp định TPP, đồng nghĩa với thực phẩm các nước sẽ tràn vào thị trường trong nước. Nếu không siết lại kỷ cương trong sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì người chăn nuôi, trồng trọt không những khó tận dụng cơ hội do TPP mang lại, mà còn khó trụ vững trên chính sân nhà khi bị khách hàng trong nước tẩy chay.
Số liệu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, qua kiểm tra, đơn vị này đã phát hiện 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella; 7,6% mẫu thịt và 1% mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Quá trình kiểm tra còn phát hiện nhiều chất không rõ nguồn gốc được sử dụng trong chăn nuôi.
Trên thực tế, con số này có thể cao gấp nhiều lần. Không chỉ gạo, thịt, thủy sản, rau mà tình trạng hoa quả ngâm tẩm hóa chất, ủ thuốc trừ sâu… cũng diễn ra tràn lan, nhất là hoa quả nhập khẩu tiểu ngạch.
Tình trạng người chăn nuôi, trồng trọt “đầu độc” người tiêu dùng bằng các chất cấm, chất bảo quản, chất kháng sinh không có trong danh mục ngày càng nghiêm trọng. Không những thế, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi và táo tợn. Nhiều cán bộ thanh tra miêu tả, quá trình phát hiện chất cấm trong chăn nuôi cũng giống như “cuộc chiến chống mafia”, bởi các trang trại chăn nuôi được bảo vệ nhiều lớp và rất khó thâm nhập. Phải nhờ lực lượng công an vào cuộc, sử dụng nghiệp vụ điều tra, trinh sát thì mới có thể phát hiện ra.
Đáng lưu ý là không chỉ cơ sở chăn nuôi, mà nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng trộn chất cấm vào sản phẩm. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lao đao với các đơn hàng bị trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép.
Dù Bộ NN&PTNT và các địa phương đưa ra nhiều giải pháp như tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt… song chủ yếu dừng lại ở phạt hành chính, mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu về nên người sản xuất, chăn nuôi vẫn cố tình vi phạm. Theo quy định, mức phạt cao nhất với sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là tiêu hủy cả đàn, nhưng Bộ NN&PTNT cho biết, hiện chưa địa phương nào áp dụng biện pháp này.
Trong khi đó, Bộ Luật Hình sự quy định “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý”. Song vì hầu hết hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm đều gây ảnh hưởng về lâu dài mà chưa phát tác, gây chết người ngay, nên rất khó xử lý hình sự.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, tình trạng sử dụng chất cấm và kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi, trồng trọt chỉ được xử lý triệt để khi phạt tiền rất nặng, bắt buộc tiêu hủy và bỏ tù những chủ trang trại cố tình vi phạm. Trong khi đó, tại Việt Nam, hành vi sử dụng chất cấm chỉ bị phát nhẹ; đàn heo sử dụng chất tạo nạc không những không bị tiêu hủy, mà vẫn được giữ lại để đào thải hết chất cấm, rồi cho buôn bán tiếp. Điều này càng khuyến khích người dân vi phạm, không bảo vệ được người sản xuất chân chính.
Rõ ràng, để chống thực phẩm bẩn, trước hết phải coi đây là “quốc nạn” cần ưu tiên loại bỏ. Theo đó, ngoài biện pháp tuyên truyền, phải khẩn trương bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng xử phạt tiền, tăng áp dụng biện pháp tiêu hủy, đóng cửa. Đồng thời, cần sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng chỉ cần sử dụng chất cấm là xử lý hình sự, chứ không đợi “chết người” thì mới xử lý.
Thứ hai, phải hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm an toàn theo chuỗi khép kín và tuyên truyền những địa chỉ bán thực phẩm sạch để người tiêu dùng nhận biết.
Thứ ba, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cần có giải pháp phối hợp quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, không để tiếp diễn tình trạng mua kháng sinh dễ dàng, sử dụng bữa bãi trong chăn nuôi, thủy sản.
Thứ tư, cần kiểm tra chặt chẽ và phạt nặng hơn đối với thực phẩm, hoa quả nhập khẩu.
Việt Nam sắp ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng nghĩa với thực phẩm các nước sẽ tràn vào thị trường trong nước. Nếu không siết lại kỷ cương trong sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì người chăn nuôi, trồng trọt không những khó tận dụng cơ hội do TPP mang lại, mà còn khó trụ vững trên chính sân nhà khi bị khách hàng trong nước tẩy chay.