Cuối tháng 1/2021, Công ty cổ phần Vicostone (mã VCS) thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện phân phối toàn bộ gần 4,8 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ với tỷ lệ 3,09:100, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 3,09 cổ phiếu mới.
Số cổ phiếu quỹ này được Vicostone gom mua lại vào hồi tháng 4/2020 với giá bình quân là 61.134 đồng/cổ phiếu. Công ty đã trích 293 tỷ đồng nguồn vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để thực hiện chia cổ phiếu thưởng lần này.
Trước đó, năm 2016, Vicostone cũng dùng 10,6 triệu cổ phiếu quỹ để chia thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:24,99. Đến năm 2019, Vicostone tiếp tục chia thưởng toàn bộ 3,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:2,04.
Một trường hợp khác gần đây, Tổng công ty cổ phần Vinaconex (mã VCG) đã công bố kế hoạch chia cổ phiếu thưởng từ 36,2 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông với tỷ lệ 9%.
Hình thức chia thưởng bằng cổ phiếu quỹ lần đầu xuất hiện trên thị trường chứng khoán vào năm 2015, khi Công ty cổ phần Công nghiệp thương mại Sông Đà (mã STP) đã dùng cổ phiếu quỹ để thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:15, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 11/9/2015. Sau đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) cũng tuyên bố với cổ đông dùng cổ phiếu quỹ để thưởng vào tháng 10/2015.
Động thái chia thưởng cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp được giới đầu tư nhìn nhận là mũi tên trúng nhiều đích của doanh nghiệp.
Việc chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông sẽ gia tăng mối liên kết giữa cổ đông hiện hữu và doanh nghiệp. Đồng thời là mối quan hệ nước lên, thuyền lên.
Trong quá khứ, tại phiên giao dịch không hưởng quyền, giá tham chiếu của cổ phiếu STP đã bị điều chỉnh từ 8.900 đồng/cổ phiếu xuống 7.700 đồng/cổ phiếu. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với VCS khi giá tham chiếu của cổ phiếu này bị điều chỉnh từ 104.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 81.600 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, kể từ ngày 12/9/2016, HOSE và HNX đã ban hành quy chế giao dịch mới. Theo đó, căn cứ vào khoản d, Điều 14, Quy chế giao dịch HNX, chia thưởng từ cổ phiếu quỹ sẽ không bị điều chỉnh giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền.
Do đó, cổ đông sẽ được hưởng lợi lớn nếu doanh nghiệp chia thưởng từ cổ phiếu quỹ. Đơn cử như với cổ đông VCG sắp tới, theo quy định mới, cổ đông sở hữu 10.000 cổ phần sẽ được thưởng 900 cổ phần nhân với thị giá VCG hiện tại. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu VCG có giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức giá này, cổ đông sẽ nhận được tương đương 43,2 triệu đồng.
Cái lợi lớn hơn, theo một số công ty chứng khoán, là cổ phiếu dạng này khi về tài khoản, nhà đầu tư bán ra không bị nộp 5% thuế thu nhập cá nhân như với cổ phiếu chia cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng, mà chỉ phải nộp 0,1% như bán các cổ phiếu thông thường.
Rõ ràng, các công ty thực hiện phương thức chia thưởng kiểu này đem lại lợi ích lớn cho các cổ đông.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: “Việc chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông sẽ gia tăng mối liên kết giữa cổ đông hiện hữu và doanh nghiệp. Đồng thời là mối quan hệ nước lên, thuyền lên. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, cổ đông sẽ là những người được hưởng lợi chung với doanh nghiệp. Quan trọng hơn, đây cũng là một hình thức giữ chân cổ đông ở lại lâu dài với công ty”.
Trong khi đó, TS. Phạm Thế Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, khi thấy thị trường đi xuống, giá cổ phiếu giảm, doanh nghiệp biết rõ giá trị cổ phiếu nên mua vào làm cổ phiếu quỹ. Chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông là chiến lược khôn ngoan của doanh nghiệp, bởi số lượng cổ phiếu vẫn giữ nguyên và không bị pha loãng nên vẫn bảo toàn giá trị, chưa kể lợi ích về thuế như đã đề cập ở trên.