Chia sẻ rủi ro là mấu chốt để thu hút đầu tư PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) tiếp tục được đưa ra thảo luận tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. Và một trong những vấn đề được quan tâm là chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Đây được coi là vấn đề mấu chốt để thu hút đầu tư PPP.
Chia sẻ rủi ro là mấu chốt để thu hút đầu tư PPP

Chia sẻ rủi ro là vấn đề then chốt

“Chia sẻ rủi ro là vấn đề then chốt, nếu muốn thu hút nhà đầu tư tư nhân vào dự án PPP”, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nói như vậy tại buổi tọa đàm mới đây về Luật PPP, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Ủy ban Đối tác công - tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Theo ông Dũng, dự án PPP là dự án hợp tác giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân nhằm cung cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng công mà đáng lẽ Nhà nước phải làm, nhưng vì không đủ nguồn lực tài chính nên phải mời nhà đầu tư tư nhân tham gia.

“Đây không phải là dự án đầu tư tư nhân thuần túy theo kiểu ‘lời ăn lỗ chịu”. Khi Nhà nước không đủ tiền hoặc cần công nghệ, năng lực quản lý của tư nhân thì Nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ rủi ro thì mới thu hút được đầu tư tư nhất, nhất là đầu tư tư nhân nước ngoài”, ông Dũng nói.

Và không chỉ là thu hút nhà đầu tư tư nhân, theo ông Dũng, trong các dự án PPP, còn có sự xuất hiện quan trọng của bên cho vay. Thông thường, các ngân hàng sẽ thu xếp khoảng 70-80% vốn thực hiện dự án, nhưng nếu không có cơ chế rủi ro, các ngân hàng cũng sẽ e ngại cấp vốn và điều đó dẫn tới chuyện dự án không thể triển khai được.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm chuyên gia của USAIDS cùng với việc chia sẻ thông tin “có nhiều quỹ đầu tư ở nước ngoài rất quan tâm đến việc triển khai các dự án PPP tại Việt Nam, nhưng còn e ngại chính sách chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư” đã cho rằng, nếu đẩy hết rủi ro về phía tư nhân thì “mối lợi” phải rất lớn và khiến giá thành đến người dùng sẽ cao và ngược lại. 

“Không nên nghĩ chia sẻ rủi ro là viện pháp ưu đãi cho nhà đầu tư”, chuyên gia PPP quốc tế của USAID Đoàn Giang cũng đã nói như vậy và cho rằng, việc khu vực công chia sẻ rủi ro chính là là cách thức mà Nhà nước có thể chấp nhận rủi ro đó ở mức chi phí thấp nhất, bởi nếu Nhà nước thực hiện dự án đó thì rủi ro vẫn tồn tại và Nhà nước phải chấp nhận toàn bộ.

Trên thực tế, thấu hiểu điều này, khi Dự thảo Luật PPP được xây dựng, nhiều cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư đã được xây dựng. Trong đó, đáng chú ý, theo ông Phạm Ngọc Lâm, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, Dự thảo Luật đã dành Chương VII, từ Điều 80 đến Điều 83 để quy định ưu đãi và đảm bảo đầu tư. Riêng Điều 83 quy định về cơ chế chia sẻ phần tăng và giảm doanh thu.

Đòi hỏi sự minh bạch và công bằng

Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu là một trong những điều khoản nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, và đặc biệt của các nhà đầu tư.

Theo quy định tại Dự thảo Luật, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu theo phương án tài chính khi doanh thu thực tế đạt từ 125% mức doanh thu trong phương án tài chính trở lên. Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật này.

Còn Nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP chỉ trong trường hợp có rủi ro về điều chỉnh quy hoạch, chính sách pháp luật liên quan, tức là lỗi của cơ quan Nhà nước, làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Việc chia sẻ rủi ro giảm doanh thu cũng chỉ được áp dụng với các loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng…

“Các điều kiện chia sẻ rủi ro tăng, giảm doanh thu là không tương thích nhau”, Luật sư Đặng Chi Liêu, Công ty Luật Baker & McKenzie nói.

Theo vị này, việc chia sẻ phần doanh thu tăng thì ít điều kiện, đơn giản, trong khi chia sẻ phần giảm doanh thu lại có quá nhiều điều kiện. “Nhà đầu tư cũng rất khó chứng minh thế nào là thay đổi chính sách pháp luật cũng như khó chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa sự thay đổi chính sách pháp luật với sự sụt giảm doanh thu”, ông Liêu nhận định.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Lưu Xuân Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng có quan điểm tương tự. Theo ông Thủy, nguyên tắc đặt ra là bình đẳng trong sự hợp tác, nhưng “ở đâu đó” vẫn có những nội dung chưa thể hiện sự bình đẳng. 

“Ở điều khoản về chia sẻ rủi ro doanh thu, chưa có sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Đòi chia thì dễ dàng, nhưng để hỗ trợ thì nhiều điều kiện và chưa sát thực tế”, ông Thủy nói.

Không chỉ là lo chuyện chưa bình đẳng, bởi có nhiều điều kiện được đặt ra nếu muốn được chia sẻ rủi ro giảm doanh thu, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định cứng tỷ lệ trong Luật, mà nên để ở các văn bản dưới luật.

“Điều 83 về chia sẻ doanh thu, nên để tỷ lệ % mở thay vì quy định cứng 125% hay 75% như hiện tại, tùy thuộc từng dự án, ngành nghề, lĩnh vực mà áp dụng tỷ lệ khác nhau sẽ linh hoạt hơn”, ông Đặng Chi Liêu nói.

Còn ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, cho rằng, việc quy định “các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết tại hợp đồng nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính” nếu không làm rõ sẽ dẫn đến khả năng nhà đầu tư có thể “đàm phán” với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, không minh bạch trong thực hiện.

“Mức doanh thu cam kết sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán của các bên, theo đó không có sự nhất quán giữa các dự án”, ông Chủng nói.

“Mỗi dự án có đặc thù khác nhau, quy mô cũng khác nhau. Do đó, cứ đưa ra quy định cứng thì đôi khi khó cho triển khai”, ông Dũng cũng có quan điểm tương tự.

Hà Nguyễn
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục