“Chìa khóa” giải quyết tranh chấp lãi suất

(ĐTCK) Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm có hiệu lực từ ngày 15/3/2019 được coi là “chìa khóa” giải quyết các tranh chấp về lãi suất trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại…
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Trước khi có luật hướng dẫn, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 2 án lệ (số 08/2016 và số 09/2016) về xác định lãi suất trong hợp đồng tín dụng và lãi suất nợ quá hạn trung bình.

Tuy nhiên, các án lệ này vẫn phát sinh một số bất cập dẫn đến có những cách hiểu và vận dụng khác nhau. Ví dụ, nếu lấy lãi suất nợ quá hạn trung bình thì chọn mức lãi suất của ngân hàng nào? Nếu trên địa bàn tỉnh không có trụ sở ngân hàng đó thì giải quyết ra sao? Khi ra quyết định tòa án có cần văn bản chính thức của ngân hàng đó không?

Một vấn đề khác như chế tài xử lý việc không trả nợ đúng hạn, Bộ luật Dân sự 2015 quy định cả về tính lãi suất quá hạn và phạt vi phạm hợp đồng. Vậy tòa án xử lý như thế nào? Xác định thời điểm tính lãi suất cũng là vấn đề thường gặp trong những vụ án kinh doanh thương mại dẫn đến việc kháng cáo, tranh chấp kéo dài.

Đơn cử, trong vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản giữa Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (viết tắt là Cienco 1) và Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex mới đây, các bên có tranh luận về mức lãi suất chậm thanh toán và cách tính thời gian chậm trả.

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2017, Cienco 1 và Nhựa đường Petrolimex có ký 8 hợp đồng mua bán nhựa đường, nhũ tương. Các bên đã thanh lý xong 3 hợp đồng, còn 5 hợp đồng vẫn tranh cãi và phải nhờ tòa án phân xử. Nhựa đường Petrolimex khởi kiện và yêu cầu Cienco 1 phải thanh toán 5 hợp đồng trên số tiền nợ gốc là 27,1 tỷ đồng, đồng thời yêu cầu tính lãi suất đến ngày triệu tập phiên tòa sơ thẩm (ngày 13/9/2018) với 3 hợp đồng năm 2013, 2017 có thỏa thuận lãi suất chậm thanh toán là 1,5%/tháng (18%/năm). Với 2 hợp đồng không thỏa thuận lãi suất, Công ty đề nghị áp dụng mức lãi suất theo Điều 306 Luật Thương mại.

Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của Công ty Nhựa đường Petrolimex và căn cứ từng hợp đồng cụ thể tính lãi suất chậm thanh toán. Số tiền Cienco 1 phải thanh toán là 43,1 tỷ đồng gồm nợ gốc là 24,8 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán 18,3 tỷ đồng.

Cienco 1 không đồng tình việc xác định thời điểm tính lãi chậm trả trên và kháng cáo. Công ty cho rằng, chỉ áp dụng tính thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể, có hợp đồng chỉ tính lãi trên tổng số nợ gốc trong thời gian 60 ngày, có hợp đồng là 30 ngày. Bên cạnh đó, theo Cienco 1, tòa án đã căn cứ vào lãi suất quá hạn của một số ngân hàng do tòa án tự xác minh, không công bố tài liệu.

Sau đó, Tòa án phúc thẩm đã làm rõ và xác định thời điểm tính lãi suất theo thỏa thuận từng hợp đồng. Có hợp đồng xác định thời điểm tính lãi suất chậm thanh toán là sau 30 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn, có hợp đồng là sau 60 ngày kể từ ngày xuất hóa đơn. Có 3 hợp đồng khác xác định thời điểm là ngày xuất hóa đơn, có 1 hợp đồng là sau 70 ngày. Mặc khác, trong hồ sơ, tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào công văn của 3 ngân hàng về lãi suất nợ quá hạn trung bình để tính lãi chậm trả. Vì vậy, tòa án phúc thẩm đã bác kháng cáo của Cienco 1.

Ông Lê Văn Minh, thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho biết, từ trước khi có Nghị quyết số 01, theo thực tiễn xét xử tại các tòa án, việc xác định lãi, cách tuyên, cách tính lãi rất khác nhau. Nghị quyết số 01 đã xác định rõ lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng vay tài sản, xác định thời điểm xét xử sơ thẩm, thời gian chậm trả… và giúp thống nhất đường lối xử lý.

Chẳng hạn, về áp dụng pháp luật và mức lãi suất trong hợp đồng tín dụng, có tòa án áp dụng lãi suất của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán đi theo hướng áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng và từ nay chấm dứt câu chuyện áp dụng lãi suất Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, sẽ xác định lãi suất trung bình trên thị trường của ít nhất 3 ngân hàng thương mại có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố nơi tòa án xét xử tại thời điểm xét xử sơ thẩm…

Đáng chú ý, trong trường hợp của Cienco 1, tòa án áp dụng án lệ về tính lãi suất trung bình. Vậy khi có Nghị quyết, có cần áp dụng án lệ hay không? Ông Minh cho biết, án lệ có ý nghĩa áp dụng trước khi có Nghị quyết. Khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, cần phải áp dụng Nghị quyết.

Theo ông Tống Anh Hào, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, vấn đề lãi suất không chỉ áp dụng trong hợp đồng vay tài sản mà còn có ý nghĩa khi thanh toán chậm trả trong nghĩa vụ dân sự nói chung và thương mại nói riêng. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết số 01 chỉ rõ cách thức vận dụng đã đáp ứng mong mỏi của các thẩm phán và người dân.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục