Chìa khóa cho sự phát triển bền vững

(ĐTCK) Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phenikaa đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện đầu tư cho nghiên cứu phát triển, vấn đề được coi là nền tảng, là chìa khóa cho sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp. 
Các chuyên gia Phenikaa tại Trung Tâm R&D thuộc tập đoàn Các chuyên gia Phenikaa tại Trung Tâm R&D thuộc tập đoàn

Cải thiện năng suất lao động đang trở thành một yêu cầu bức thiết của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Từ những kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích sự tăng trưởng của doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các hoạt động sáng tạo nhằm hướng tới mục tiêu năng suất cao hơn như thế nào?

Không ngừng nâng cao năng suất lao động là yếu tố đảm bảo tính cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Vicostone, trong vòng 3 năm qua, năng suất lao động tăng ở mức 33%, từ 152,3 USD/người/giờ (năm 2016) lên 202,5 USD/người/giờ (năm 2018).

Ðể năng suất lao động liên tục tăng trưởng trong cả giai đoạn, Tập đoàn Phenikaa nhận thấy các yếu tố cốt lõi sau:

Một là, xác định chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong việc làm rõ lợi thế khác biệt trong cạnh tranh nhằm dẫn dắt xu thế và chinh phục cơ hội trong mọi biến động của kinh doanh, xã hội.

Hai là, không ngừng xây dựng văn hóa tổ chức có tư duy sáng tạo, đổi mới và tích cực chia sẻ tri thức. Kaizen - 5S với tư duy cải tiến liên tục được áp dụng một cách toàn diện ở cả khối sản xuất và văn phòng tại Tập đoàn Phenikaa.

Ba là, xây dựng môi trường làm việc để người lao động được tự do sáng tạo, được tôn trọng cá tính và quan điểm cá nhân, phát triển thế mạnh của họ và mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc. Mỗi cá nhân hạnh phúc sẽ là nền tảng để họ đoàn kết và đồng lòng xây dựng một tổ chức phát triển, không ngừng nâng cao năng suất. 

Vẫn có những e ngại theo kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước” của doanh nghiệp khi đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo ông, nên nhìn nhận và giải quyết vấn đề này như thế nào và thực tế, Phenikaa đã giải quyết ra sao?

Việc đầu tư cho R&D được xem là nhiệm vụ sống còn của Tập đoàn Phenikaa. Khi có tầm nhìn dài hạn, chúng ta sẽ không bận tâm về câu chuyện “con gà, quả trứng” vì R&D là điều kiện bắt buộc đảm bảo cho phát triển và tăng trưởng bền vững. Không có R&D, doanh nghiệp dù có thành công đến đâu thì cũng chỉ là kinh doanh ngắn hạn. Ðương nhiên, để làm được R&D hiệu quả, doanh nghiệp phải có quyết tâm, có tầm nhìn và ít nhất là phải có nguồn lực dài hạn về tài chính, đặc biệt quan trọng là nguồn lực nhân sự.

Chỉ số hiệu quả công tác R&D của Tập đoàn Phenikaa được đánh giá trên ba phương diện:

Một là, số lượng sản phẩm, dịch vụ khác biệt được thị trường ưa thích nhằm thể hiện tính tiên phong và dẫn dắt;

Hai là, số lượng và tính hiệu quả của các sáng kiến và giải pháp hữu ích trong các lĩnh vực: nguồn nguyên liệu đầu vào để chủ động trước những biến động khó lường trên thị trường; tự động hóa để nâng cao năng suất lao động; bí quyết tạo ra các sản phẩm khác biệt có lợi thế cạnh tranh cao và giá trị gia tăng cao;

Ba là, tìm ra những giải pháp tổng thể nhằm hạn chế thấp nhất, tiến tới không thải rác và không gây ô nhiễm môi trường.

Ngân sách chi cho công tác R&D hàng năm chiếm từ 1 - 2% tổng doanh thu của Tập đoàn Phenikaa. R&D giúp giải quyết từ những vấn đề phát sinh trong sản xuất đến việc tạo ra các loại vật liệu mới trong tương lai.   

Trong lịch sử phát triển của Tập đoàn Phenikaa, ngân sách chi cho công tác R&D hàng năm thường xuyên chiếm từ 1 - 2% tổng doanh thu của Tập đoàn. Hiện toàn Tập đoàn có 4 trung tâm, phòng R&D và 3 viện nghiên cứu khoa học, 1 trường đại học để triển khai chiến lược đầu tư và sử dụng R&D một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

R&D giúp giải quyết từ những vấn đề phát sinh trong sản xuất đến việc tạo ra các loại vật liệu mới trong tương lai. Một trong những mục tiêu của Phenikaa tới năm 2020 là nội địa hóa 95% nguồn nguyên liệu đầu vào của Tập đoàn.

Doanh nghiệp hầu hết đều muốn ứng dụng công nghệ, sáng tạo và sử dụng nhiều hơn kiến thức và bí quyết công nghệ, nhưng có những khó khăn gì với các doanh nghiệp khi triển khai việc này?

Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là phải đưa ra được một tầm nhìn dài hạn và chuẩn xác. Vai trò của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng trong vấn đề này. Tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh bằng sự khác biệt càng cần phải có bí quyết công nghệ của riêng mình, và do đó không thể thiếu R&D.

Khi đã có tầm nhìn chuẩn, thách thức lớn tiếp theo là vấn đề con người. Liên quan đến con người, cần chú ý một số điểm cốt lõi là phải có nguồn  nhân sự chuyên môn có năng lực, tạo môi trường chuyên nghiệp, tự do sáng tạo và được công nhận, trang bị đầy đủ điều kiện làm việc (trang thiết bị, dụng cụ, tài chính cho R&D…), chính sách về đào tạo, chế độ thu nhập và khuyến khích cho người lao động.

Tại Phenikaa, đổi mới sáng tạo là nét văn hóa và yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động để giữ vững vị thế cạnh tranh trong thời đại công nghệ số. Tiềm lực tài chính mạnh giúp chúng tôi có khả năng đầu tư vào nghiên cứu phát triển, từ đó lựa chọn và ứng dụng những công nghệ tiên phong, có giá trị hữu ích vào quản trị, vận hành, sản xuất - kinh doanh.

Gần đây, thị trường cũng chứng kiến sự chuyển động trong việc thu hút nguồn vốn từ chính khu vực tư nhân cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng này? Làm gì để thúc đẩy thêm các hoạt động như vậy? 

Nghiên cứu phát triển là nền tảng, là chìa khoá và là yêu cầu bắt buộc cho sự phát triển của một quốc gia và của bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, nhất là trong xu thế tốc độ thay đổi công nghệ nhanh đến chóng mặt.

Theo xu thế chung, những doanh nghiệp có tầm nhìn phát triển bền vững biết rõ cần phải đầu tư nghiêm túc trong lĩnh vực này. Từ thực tế Tập đoàn Phenikaa, sự đầu tư vào khoa học, nghiên cứu không chỉ giải các bài toán về sản xuất cho riêng Tập đoàn, mà còn có khả năng cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp liên quan.

Nghiên cứu khoa học luôn cần đầu tư dài hạn, đặc biệt là đầu tư về con người, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, với sự tham gia của nhiều bên và phải giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và của xã hội. Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực để các nhà khoa học và các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác R&D, chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề xã hội cần.

Cùng với lượng vốn bổ sung cho R&D, dường như có mối quan hệ liên kết giữa các trường, viện và doanh nghiệp? 

Hiện tại, Tập đoàn Phenikaa có 4 trung tâm, phòng nghiên cứu phát triển R&D, 3 viện nghiên cứu (trong đó 1 viện nghiên cứu cơ bản, 1 viện nghiên cứu ứng dụng, 1 viện nghiên cứu Nano) và Trường Ðại học Phenikaa. Cơ cấu tổ chức này nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn và chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn lấy khoa học công nghệ làm cơ sở vững chắc và thúc đẩy sự không ngừng đổi mới sáng tạo. Giải pháp của chúng tôi là từ góc độ Tập đoàn xác định chiến lược phát triển dài hạn đặt ra các đầu bài cụ thể về công nghệ, sản phẩm, giải pháp, nguồn nguyên liệu đầu vào để các viện, trường giải quyết. Chỉ số hiệu quả vận hành của các viện nghiên cứu là giải các bài toán đó trên phương diện tiến độ, chất lượng và tính ứng dụng giải pháp cho các bài toán hiện tại của Tập đoàn và cả ngoài Tập đoàn.

Về phương diện tài chính, chúng tôi đã hình thành Quỹ Khoa học và công nghệ, quy mô đầu tư ban đầu là 500 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận sau thuế, sử dụng cho nghiên cứu khoa học của Trường Ðại học Phenikaa, các viện nghiên cứu của Tập đoàn và cả các nhà khoa học bên ngoài Tập đoàn nếu họ có các dự án tốt. Ngoài ra, kinh phí cho R&D còn được trích từ 1 - 2% doanh thu hàng năm.

Về con người, chúng tôi không ngừng đào tạo phát triển năng lực cho đội ngũ hiện tại, tiếp tục thu hút nhân tài không hạn chế số lượng trong các lĩnh vực. Về văn hóa doanh nghiệp, chúng tôi thúc đẩy văn hóa phản biện và sáng tạo. 

Cần có hệ thống chính sách như thế nào nhằm hỗ trợ và dẫn tới sự thay đổi tư duy về việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong việc ứng dụng và nâng cao trình độ công nghệ?

Trên phương diện nhà nước, Chính phủ cần thực sự đóng vai trò kiến tạo và thúc đẩy các địa phương, các cơ quan hành chính các cấp đồng hành với Chính phủ trên phương diện kiến tạo, coi trọng vai trò kinh tế tư nhân, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và đồng bộ, chuyên nghiệp để tránh rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng. Thực hiện được điều này, doanh nghiệp tư nhân sẽ mạnh dạn tiếp cận theo hướng dài hạn, đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư về công nghệ, R&D… một cách bài bản, chuyên nghiệp và bền vững.

Thúy Anh

Tin cùng chuyên mục