Đây là khẳng định của lãnh đạo Bộ GTVT trong công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang liên quan đến chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT cho các dự án hạ tầng giao thông.
Theo Bộ GTVT, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn khó khăn, vốn vay ODA ngày càng thu hẹp, đầu tư theo hình thức PPP được coi là “chìa khóa” để phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế triển khai các dự án trong giai đoạn vừa qua đã chứng minh hiệu quả tích cực (tạo điều kiện đi lại thuận lợi, môi trường kêu gọi đầu tư được cải thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông,...).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, đầu tư theo hình thức đầu tư PPP là hình thức đầu tư mới, khi xây dựng các chính sách pháp luật về hình thức đầu tư PPP (như Nghị định 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ, Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính,...) cũng như quá trình tổ chức thực hiện, các bên đều chưa thể lường trước được những bất cập của hình thức PPP, dẫn đến những bức xúc của người dân tại một số dự án như ý kiến của cử tri đã nêu.
Cuối năm 2015, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Tại hội nghị, Bộ GTVT đã tổng kết, đánh giá những hiệu quả đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP. Cũng tại hội nghị, Bộ GTVT đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập của chính sách.
Trên cơ sở tổng kết mô hình đầu tư BOT, từ giai đoạn năm 2016, đặc biệt là khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã kiên quyết không triển khai đầu tư các dự án BOT trên đường hiện hữu nhằm bảo đảm quyền được lựa cho người dân. Một số dự án BOT mặc dù đã hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc đã ký kết hợp đồng nhưng chưa triển khai, Bộ GTVT đã đàm phán với nhà đầu tư để dừng triển khai theo hình thức BOT và lựa chọn hình thức đầu tư mới thích hợp.
“Trong thời gian tới, Bộ GTVT tập trung đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến đường bộ cao tốc, trong đó sẽ đầu tư theo tuyến mới để người dân được quyền lựa chọn, thu phí theo chiều dài đoạn đường sử dụng để bảo đảm công bằng cho người dân”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.
Được biết, trong năm 2018, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong đó, bổ sung quy định khi triển khai các dự án theo hình thức PPP phải tổ chức tham vấn ý kiến về tác động của việc đầu tư thực hiện dự án của một hoặc các cơ quan, tổ chức sau đây: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, thành phố nơi thực hiện dự án; hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư. Đồng thời, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, Chính phủ đã thống nhất bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền “tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán”.
Để quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức tự động không dừng đối với tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước; đồng thời, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thu phí của nhà đầu tư, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện các hành vi gian lận trong thu phí.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành các công tác chuẩn bị và lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT; Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và Dự án đường vành đai 3 Tp.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch.
Vào đầu tháng 1/2020, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 03/BDN ngày 08/01/2020.
Theo đó, các cử tri tỉnh An Giang cho rằng, chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, kết cấu hạ tầng dần được hoàn chỉnh, kết nối, rút ngắn thời gian đi lại giữa các địa phương, lưu thông, vận chuyển hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng có nhiều bất cập dẫn đến bức xúc của người dân như: trạm thu phí đặt vị trí không đúng chỗ, các trạm không đảm bảo khoảng cách như quy định, đầu tư BOT trên tuyến độc đạo không có sự lựa chọn đi lại của người dân; giá thu phí không phù hợp với mức đầu tư...
Do đó, cử tri đề nghị khi chấp thuận đầu tư công trình BOT cần quan tâm đến quyền lợi của người dân, người dân được quyền lựa chọn khi đi lại; kiểm toán chặt chẽ mức đầu tư để có thu phí phù hợp, tránh thất thu cho ngân sách.