Chi soạn thảo Thông tư từ 2,7-3,2 triệu đồng/dự thảo

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 338/2016/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thông tư này quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan, đơn vị, bao gồm các văn bản: Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị quyết của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ…

Thông tư cũng nêu rõ các định mức chi có tính chất đặc thù, được bảo đảm từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung trong các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo đó, chi soạn thảo đề cương chi tiết dự thảo văn bản: Đối với luật, pháp lệnh nếu là dự án luật, pháp lệnh mới hoặc thay thế thì mức chi là 4,5 triệu đồng/đề cương; nếu là dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều thì mức chi là 3,8 triệu đồng/đề cương.

Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Trường hợp văn bản mới hoặc thay thế, mức chi là 2,3 triệu đồng/đề cương; văn bản sửa đổi, bổ sung, mức chi 1,5 triệu đồng/đề cương.

Đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ…: Văn bản mới hoặc thay thế, mức chi 1 triệu đồng/đề cương; văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều thì mức chi là 800.000 đồng/đề cương.

Về chi soạn thảo văn bản, Thông tư quy định: Đối với luật, pháp lệnh mức chi từ 7,5 đến 12 triệu đồng/dự thảo văn bản tùy theo trường hợp văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Đối với quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức chi từ 4 đến 6 triệu đồng/dự thảo văn bản tùy theo trường hợp văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Đối với Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, mức chi từ 2,7 đến 3,2 triệu đồng/dự thảo văn bản tùy theo trường hợp văn bản mới hoặc sửa đổi, bổ sung…

Thông tư cũng quy định rõ nội dung chi cho các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở căn cứ tính chất, mức độ phức tạp của mỗi hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Thông tư quy định cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện chi theo những nội dung thuộc phạm vi các hoạt động: Tổng kết việc thi hành pháp luật hiện hành; tập hợp, rà soát đánh giá văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đánh giá tác động của chính sách, đánh giá tác động của văn bản; lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia; xây dựng báo cáo thẩm định, thẩm tra, văn bản góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện các loại đề cương, báo cáo, dự thảo văn bản…

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/2/2017.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục