Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, theo đó hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp đã tăng tốc trong quý 3 với giá trị tăng thêm đạt 12,12% so với cùng kỳ năm 2021 - theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/9.
Báo cáo cho biết tính chung 9 tháng của năm, giá trị tăng thêm trong toàn ngành công nghiệp đạt 9,63% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo lên tới 10,69% và đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất và phân phối điện ghi nhận mức tăng trưởng 7,71%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm và ngành khai khoáng lên 4,42%, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong ngành công nghiệp chế biến-chế tạo, chỉ số tiêu thụ đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi cùng kỳ năm 2021 mắc tăng này chỉ đạt 2,8%).
Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính tại thời điểm 30/9 cũng tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng Tám và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm ngoái (cụ thể thời điểm năm trước mức tăng này là 28,2%). Như vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng là 76,4% (trước đó bình quân 9 tháng của năm 2021 là 81,1%).
Theo báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê thực hiện, sáu yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3, bao gồm tính cạnh tranh của hàng trong tnước cao, nhu cầu của thị trường trong nước thấp, khó khăn về tài chính, nhu cầu thị trường quốc tế thấp, thiếu nguyên, nhiên, vật liệu và không tuyển dụng được lao động.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này cũng thay đổi theo thời gian. Cụ thể, giai đoạn trước năm 2020, khi dịch COVID-19 chưa xảy ra, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất-kinh doanh là thiếu nguyên, nhiên, vật liệu và nhu cầu thị trường quốc tế thấp thường có mức độ ảnh hưởng thấp tới các doanh nghiệp hơn.
Sang giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 xảy ra đã làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng tại nhiều thời điểm cộng thêm xung đột Nga-Ukraina làm giá nhiên liệu trên thế giới tăng cao và lạm phát biến động mạnh tại Mỹ, Anh, châu Âu và các nước phát triển. Bên cạnh đó, chính sách của Mỹ về công nghiệp bán dẫn và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực… là các yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn tới hoạt động của doanh nghiệp.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3:
(Nguồn: Tổng cục Thống kê) |