Chỉ số PMI sản xuất trong tháng 2/2016 của Trung Quốc đứng ở mức 49 điểm, thấp hơn so với dự báo 49,4 được đưa ra trước đó. Con số dưới 50 thể hiện sự suy giảm. Một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc là chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008.
Trước đó, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thực hiện nỗ lực mới nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong bối cảnh thị trường chứng khoán bất ổn và đồng nhân dân tệ suy yếu.
Theo đó, PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng xuống 0,5%, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3. Như vậy, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các nhà băng lớn nhất sẽ xuống mức 17%, vẫn ở mức cao nhất so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng trên thế giới.
“Các chính sách sẽ ngày càng tập trung vào thị trường tiền tệ và cải cách lại yếu tố nguồn cung, nhằm hỗ trợ cho yếu tố cầu. Các số liệu kinh tế sắp được công bố tiếp theo sẽ vẫn thể hiện sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc”, Harry Lu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Macquarie Securities Ltd tại Hong Kong cho biết.
Diễn biến chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất (màu trắng) và lĩnh vực phi sản xuất (mùa xanh) của Trung Quốc qua các năm
“Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất giảm nằm trong dự đoán của chúng tôi bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới việc sản xuất, khi các nhà máy đóng cửa. Tuy nhiên, những kỳ nghỉ thường sẽ có tác động tích cực tới lĩnh vực dịch vụ, bởi nó sẽ thúc đẩy chi tiêu và du lịch nội địa”, Iris Pang, nhà kinh tế học cao cấp tại Nataxis SA Hong Kong cho biết.