Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, cẩn trọng với lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu tăng, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng, tăng 4,12%.
Giá bảo hiểm y tế tăng cao khi mức lương cơ sở được điều chỉnh đã ảnh hưởng đến CPI của cả nước Giá bảo hiểm y tế tăng cao khi mức lương cơ sở được điều chỉnh đã ảnh hưởng đến CPI của cả nước

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 tăng 0,48% so với tháng trước. Đây là mức tăng khá cao và lý do là vì trong tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.

Trong khi đó, so với tháng 12/2023, CPI tháng Bảy tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Như vậy là bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục nhích lên.

Việc CPI tháng Bảy tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước và bình quân 7 tháng nhích lên, dần tiến tới ngưỡng 4,5% là điều đáng lưu ý.

Theo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2024 được Quốc hội quyết nghị, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay được đặt ra ở mức 4-4,5%. Tuy nhiên, Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát ở ngưỡng dưới (4%) của mục tiêu này.

Rõ ràng, vẫn phải cần trọng với mục tiêu điều hành lạm phát trong năm nay.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 7/2024, Tổng cục Thống kê cho biết, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính viễn thông ổn định giá.

Trong các nhóm hàng hóa tăng giá, đáng chú ý, Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng tới 3,77%. Nguyên nhân chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45%, khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm, chủ yếu do giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55%.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng còn lại bao gồm Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 0,5%); Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,26%); Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,14%); Nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,13%).

Cùng với đó, Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,03%; Nhóm giáo dục tăng 0,02%.

Riêng nhóm bưu chính - viễn thông giữ mức giá ổn định, do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mại, kích cầu mua sắm.

Đây là xu hướng rất đáng chú ý, khi mà trong rổ hàng hóa tính CPI, chỉ duy nhất nhóm bưu chính - viễn thông ổn định giá, tất cả các nhóm hàng hóa khác đều tăng.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%).

Nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 7/2024 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 18,11% so với tháng 12/2023; tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 24,77%.

Còn chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2024 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 7,14% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,85%.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục