Chi phí tích hợp, khai thác dữ liệu dân cư là vấn đề gây e ngại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là điều được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhiều lần nhấn mạnh khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Chi phí tích hợp, khai thác dữ liệu dân cư là vấn đề gây e ngại

Trong bối cảnh chuyển đổi số của nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ, ông đánh giá ra sao về vai trò của dữ liệu đối với hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng?

Dữ liệu là một trong những yếu tố hết sức quan trọng của quá trình chuyển đổi số được chú trọng xây dựng và phát triển tại Việt Nam. Chuyển đổi số đã nâng cao vai trò của dữ liệu, không chỉ giúp nhận biết nhanh, chính xác, mà còn tác động, định hướng đến cách nghĩ, cách làm việc và tạo ra các giá trị mới. Chẳng hạn, thông qua dữ liệu sẽ phần nào đánh giá, xác định được hành vi và xu hướng của cá nhân đó như thế nào.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Quá trình chuyển đổi số càng mạnh mẽ thì công tác dữ liệu lại càng quan trọng và sự kết hợp đó sẽ hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư… và trong rất nhiều lĩnh vực khác như tư pháp, bảo hiểm y tế… liên quan đến tích hợp dữ liệu. Hay nói cách khác, câu chuyện dữ liệu không chỉ tác động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mà là cả hệ thống chính trị, các quan hệ trong xã hội, phục vụ cho kinh tế số, chính phủ số.

Riêng với hệ thống ngân hàng, bằng cách thu thập, phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, các tổ chức tín dụng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường để tối ưu hóa quy trình kinh doanh.

Từ nhận định trên, ông nhìn nhận thế nào về mức độ quan tâm của các ngân hàng đối với dữ liệu?

Việc tích hợp dữ liệu là rất tốt bởi sự hiệu quả, hữu ích, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, giá thành như thế nào là điều cần phải xem xét bởi chi phí này cuối cùng là người dân sẽ phải chi trả.

Các tổ chức tín dụng rất quan tâm đến câu chuyện dữ liệu, đều mong muốn làm sao có thể tích hợp được dữ liệu dân cư vào hệ thống của mình. Theo đó, không có đơn vị nào không kiến nghị với Hiệp hội Ngân hàng về việc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ để có thể tích hợp dữ liệu dân cư với các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, việc tích hợp dữ liệu dân cư vào hoạt động của tổ chức tín dụng đang có những vướng mắc, khó khăn như hệ thống được tích hợp đầu tư như thế nào, giá trị là bao nhiêu? Nói cách khác là đầu tư thiết bị công nghệ làm sao tích hợp được vào dữ liệu mà giá thành hợp lý nhất nhằm tiết giảm được chi phí. Trong cuộc trao đổi với các thành viên của Hiệp hội cho biết, ước tính chi phí đầu tư tương đối lớn.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất quan trọng liên quan đến chi phí cho việc sử dụng dữ liệu là hiện các tổ chức tín dụng đang trong quá trình triển khai tích hợp dữ liệu, nhưng khi chính thức vận hành sẽ có số liệu cụ thể về chi phí tích hợp dữ liệu dân cư, chi phí khai thác dữ liệu dân cư… Đây là vấn đề các tổ chức tín dụng rất e ngại.

Để quản lý việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Thế nhưng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng do pháp luật chuyên ngành điều chỉnh với hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh, trong đó có việc bảo vệ thông tin khách hàng. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới. Dữ liệu cá nhân của hơn 2/3 dân số nước ta đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Theo đó, tình trạng mất an toàn dữ liệu, mua bán, trao đổi dữ liệu cá nhân trái phép diễn ra ngày càng phổ biến, trong khi các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn nhiều hạn chế, chưa có sự thống nhất. Để quản lý việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023 là hành lang pháp lý quan trọng nhằm quy định chặt chẽ các nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng đối với các hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, Nghị định 13/2023 đang có sự xung đột với pháp luật tài chính - ngân hàng. Trong quá trình nghiên cứu tổ chức triển khai nghị định này, các tổ chức tín dụng đã phản ánh một số khó khăn gây lúng túng như: Nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân; phân biệt dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; quyền của các chủ thể dữ liệu (quyền rút lại sự đồng ý, quyền xóa dữ liệu; quyền truy cập…); yêu cầu về lập Báo cáo đánh giá tác động xử lý dữ liệu và chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài.

Những ý kiến trên đã được Hiệp hội Ngân hàng tổng hợp báo cáo và làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước để tìm giải pháp tháo gỡ. Các cơ quan quản lý cũng đang hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội và các thành viên tập huấn cán bộ, nhân viên để việc triển khai Nghị định 13/2023 đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông, để đẩy mạnh hoạt động kết nối dữ liệu ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác cần chú ý điều gì?

Kết nối dữ liệu dịch vụ công đang được triển khai rất thuận lợi, còn kết nối dữ liệu cá nhân liên quan đến việc phục vụ sản xuất, kinh doanh… vẫn đang còn nhiều vấn đề. Theo tôi, trước tiên cần tuyên truyền chính sách, vai trò, lợi ích của dữ liệu. Thứ hai, cần phòng tránh việc lợi dụng những quy định về dữ liệu cá nhân để độc quyền khai thác. Và tôi quay trở lại vấn đề đã đề cập ở trên là chi phí kết nối, truy cập dữ liệu cần được thống nhất một cách hợp lý. Khi chi phí kết nối, truy cập dữ liệu quá cao, các doanh nghiệp sẽ tính chi phí này vào khách hàng. Điều này có nghĩa là người dân đã cung cấp dữ liệu cá nhân của mình, nhưng cuối cùng lại là bên phải chi trả chi phí khi sử dụng các dịch vụ của doanh nghiệp.

Hiệp hội có những hoạt động gì giúp các hội viên đẩy mạnh việc phát triển dữ liệu, cũng như đảm bảo an toàn, lợi ích của các tổ chức tín dụng và khách hàng?

Liên quan đến Nghị định 13/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức tập huấn đến tất cả các tổ chức tín dụng. Hiệp hội đã sát sao với các thành viên và nhận biết với việc Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an có quy chế phối hợp, các tổ chức tín dụng đang xây dựng lộ trình, thậm chí, có đơn vị đang thí điểm triển khai tích hợp dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh lại việc tích hợp dữ liệu là rất tốt bởi sự hiệu quả, hữu ích, hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, giá thành như thế nào là điều cần phải xem xét bởi chi phí này cuối cùng là người dân sẽ phải chi trả.

Còn những nội dung khác, Hiệp hội cũng đã làm hết khả năng thông qua phối hợp, hỗ trợ tổ chức tập huấn, đào tạo, tìm cách kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có thầm quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục