Chi phí năng lượng không thể là gánh nặng cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

Thiết kế phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia nhưng cũng phải thoả mãn cả yêu cầu chi phí năng lượng không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, đây là lần đầu tiên Việt Nam lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng. Trước những thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch quốc gia trên và ngang cấp, rất cần nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tham vấn, phản biện cho các đơn vị tham gia thực hiện Đề án Quy hoạch này.

Hiện Dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII đang được lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân cũng đưa ra nhiều chi tiêu về phát triển kinh tế. Lẽ tất yếu, các chỉ tiêu này sẽ tác động lớn đến các kịch bản phát triển năng lượng và nhu cầu phát triển năng lượng của nền kinh tế.

Bởi vậy, Đề án Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia cần được làm xây dựng, thiết kế nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu của Trung ương “vào năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cũng như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đó là, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái; bảo đảm cho ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý, triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng…

Cảng nhận khẩu than cho nhà máy điện tại Vĩnh Tân
Cảng nhận khẩu than cho nhà máy điện tại Vĩnh Tân

Đáng nói là câu chuyện đảm bảo nhu cầu năng lượng của nền kinh tế quốc dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng cần đặt ra kèm theo yêu cầu “chi phí năng lượng không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế”. Nhưng đây cũng là thách thức không nhỏ khi thực tế Việt Nam đã chuyển thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng từ năm 2015.

Với thực tế nhập khẩu than cho điện hiện xấp xỉ 50 triệu tấn/năm hay xu hướng sắp tới là nhập khẩu không nhỏ LNG, khí tự nhiên, câu chuyện hạ tầng năng lượng như cảng, kho, đường ống, cho nhập khẩu các nhiên liệu này cũng được đặt ra với câu hỏi “địa điểm nào”, “ai làm”, “cơ chế nào”, bởi nếu không có cơ chế đi kèm xác đáng thì khả năng hiện thực còn nhiều thách thức.

Theo ông Đặng Hoàng An, nhu cầu năng lượng cuối cùng của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây tăng 6,5%, trong đó riêng điện tăng trưởng khoảng 10,5%. Các đơn vị tư vấn đang tính toán và dự báo nhu cầu năng lượng cuối cùng của cả nước giai đoạn 2021-2030 dao động ở mức 6,5% và sẽ tụt xuống khoảng 3,5% vào giai đoạn 2041-2045 cũng cần nhận được góp ý có hiện thực không?

Vận chuyển thiết bị xây dựng đường truyền tải điện
Vận chuyển thiết bị xây dựng đường truyền tải điện

Báo cáo của các đơn vị thiết kế Đề án Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia cho thấy, đến nay Đề án Quy hoạch này đã cơ bản hoàn thành. Tại Hội thảo lần 1 được tổ chức cuối tháng 8/2002, các cơ quan tư vấn đã báo cáo tóm tắt 5 chương đầu của Đề án Quy hoạch, với các nội dung trọng tâm là phương pháp luận, hiện trạng cung cầu năng lượng và tình hình thực hiện các quy hoạch phân ngành năng lượng.

Tại Hội thảo lần 2 này, các nội dung còn lại của Đề án được công bố, lấy ý kiến tập trung vào phương án phát triển các phân ngành năng lượng, bao gồm điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo.

“Làm sao để Quy hoạch phát triển năng lượng, Quy hoạch phát triển Điện lực phải là trung tính với các quy hoạch khác. Nghĩa là các quy hoạch khác có thể biến động mà chúng ta vẫn đảm bảo thực hiện được Quy hoạch năng lượng này cho mục tiêu phát triển kinh tế. Còn nếu cứ tác động nhiều với các quy hoạch khác, các chiến lược phát triển các vùng thì không thể chạy theo được, do năng lượng là công trình hạ tầng, không thể nay ở đây, mai lại chạy ra chỗ khác được. Một kho khí, LNG đã xây lên phải vận hành tối thiểu 50 -70 năm và gắn liền với cảng biển và đó là nguyên tắc”, ông An nói.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục