Nửa tháng trước, một trận mưa thiên thạch đã rơi xuống thôn Man Luân, thị trấn Mãnh Già, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Rất đông chuyên gia săn tìm báu vật đã tới tận nơi để chiêm ngưỡng những viên đá hiếm.
Theo các chuyên gia của đài thiên văn núi Tử Kim, viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, trận mưa thiên thạch tới rất đúng lúc và ẩn chứa bí mật về hệ mặt trời.
Dù vẻ ngoài xấu xí, thô kệch nhưng nhờ độ quý hiếm và giá trị khoa học cao, những viên đá này được người dân trong thị trấn bán với giá rất cao.
Mỗi viên nhỏ có thể bán với giá hàng nghìn nhân dân tệ, viên to có giá hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Trong đó, một viên đá thiên thạch nặng 800g được bán với giá kỷ lục: 160.000 NDT (551 triệu đồng).
Được biết, người dân trong thôn Man Luân đã nhặt được hơn 200 viên đá thiên thạch. Hiện nay vẫn còn 50-100 viên chưa bán.
Địa phương này đang dự định tận dụng những viên còn lại để xây dựng nền văn hóa thiên thạch dựa trên góc độ khoa học phù hợp, qua đó phát triển ngành du lịch, tăng thêm thu nhập và giúp quảng bá nét đẹp của thôn Man Luân.
Trước đó, theo chuyên gia Từ Vĩ Bưu của viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, thôn Man Luân chỉ tìm ra được 1/10.000 số thiên thạch.
Phần lớn lượng thiên thạch còn lại đã bị đốt cháy ở nhiệt độ cao khi rơi trong không trung hoặc chưa được tìm thấy. Hay nói cách khác, lượng thiên thạch ban đầu có thể lên tới 100.000 kg.
Thông qua giám định phân tích, những thiên thạch này tới từ dải tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc của hệt mặt trời, thuộc loại “thiên thạch hạt tròn thường L5”. Tuổi đời của chúng “già” tương đương hệ mặt trời, khoảng 4,5 tỷ năm.
Khi quan sát bằng kính hiển vi điện tử, các nhà khoa học nhận ra chúng sở hữu “hạt tròn” trên bề mặt – một dạng vật chất hoàn toàn không có ở nham thạch trên địa cầu.