Chi một đồng ngân sách cũng phải có dự toán

Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (khai mạc hôm nay, 20/7) sẽ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. 
PGS-TS Đặng Văn Thanh PGS-TS Đặng Văn Thanh

“Một đồng vốn, tài sản nhà nước phải được kiểm toán sẽ góp phần quản lý tiền, tài sản nhà nước chặt chẽ hơn”, PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội nói.      

Lần đầu tiên, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước theo Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa có hiệu lực kể từ đầu năm nay. Liệu có diễn ra những tranh luận nảy lửa trước khi phê chuẩn quyết toán năm 2014 không, thưa ông?

Từ trước đến nay, Chính phủ trình quyết toán thế nào đều được Quốc hội phê chuẩn như vậy, bởi đại biểu nào cũng có tâm lý, đã chi rồi thì không quyết toán cũng không được.

Nhưng theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, chi một đồng từ ngân sách nhà nước phải có trong dự toán, không có trong dự toán dứt khoát không được chi; nếu vì nhiệm vụ cấp bách, cần thiết buộc phải chi thì Chính phủ phải có giải trình rõ ràng, cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như mọi lần, tức là Quốc hội sẽ phê chuẩn theo đề nghị của Chính phủ vì rất nhiều đại biểu bây giờ mới tham gia Quốc hội, nên chưa quen với việc tranh luận, thảo luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến đến những vấn đề đòi hỏi phải có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực tài chính này. Hơn nữa, kể từ năm ngân sách 2017 mới áp dụng Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nên phải đến năm 2017, quy định chi một đồng phải có trong dự toán mới được thực hiện nghiêm túc.

Thực tế điều hành ngân khố quốc gia cho thấy, rất nhiều khoản chi không nằm trong dự toán, nhưng vẫn buộc phải chi do đòi hỏi cấp bách. Nếu Quốc hội không quyết toán thì sao?

Quốc hội nhiều nước thành lập ủy ban hoặc tiểu ban về kiểm toán. Cơ quan này có trách nhiệm thu nhận tất cả báo cáo kiểm toán; phân tích, đánh giá, chọn lọc các báo cáo kiểm toán; gợi ý để các nghị sỹ chất vấn hoặc bày tỏ chính kiến tại hội trường hay phiên họp của các ủy ban Quốc hội.

Tôi rất mong Quốc hội thành lập một cơ quan tương tự như vậy, đồng thời yêu cầu Tổng KTNN phải trình bày trực tiếp trước Quốc hội liên quan đến kết quả kiểm toán. KTNN một mặt xác nhận số tiền chi không có trong dự toán một cách trung thực, khách quan, công khai, minh bạch; mặt khác, phải lý giải thích lý do phải chi ngoài dự toán, việc chi có thực sự cấp bách, cần thiết không, chi bao nhiêu là vừa, nhưng không được bình luận về việc chi ngoài dự toán cũng như không được đưa ra kiến nghị xử lý số tiền chi ngoài dự toán.

Khi có được thông tin, số liệu đầy đủ, cập nhật, kịp thời, khách quan, khoa học, Quốc hội sẽ quyết định có thông qua quyết toán do Chính phủ trình hay yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Tôi cho rằng, các khoản chi ngoài dự toán nếu được KTNN xác nhận là khách quan, cấp bách, cần thiết thì Quốc hội cũng sẽ chấp nhận báo cáo quyết toán do Chính phủ trình.

Theo Luật KTNN 2015, KTNN có quyền kiểm toán cả phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thưa ông, với doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ có một phần vốn thì kiểm toán thế nào?

Tất cả cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước không phân biệt sử dụng bao nhiêu; doanh nghiệp hoạt động dưới bất cứ hình thức nào, là công ty cổ phần, doanh nghiệp liên doanh hay công ty TNHH có vốn nhà nước dù chỉ một đồng, Nhà nước giữ cổ phần chi phối hay chỉ nắm giữ 5 - 10% vốn, thì KTNN hoàn toàn có quyền  kiểm toán theo đúng tinh thần của Luật KTNN vừa có hiệu lực.

Nhiều người lo ngại đối tượng kiểm toán quá rộng thì KTNN không thể thực hiện được, vì ngoài kiểm toán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, KTNN còn phải kiểm toán ngân sách nhà nước các cấp, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang… Tôi cho rằng, lo ngại này không có cơ sở, bởi luật cho phép kiểm toán, còn kiểm toán doanh nghiệp nào sẽ do KTNN lựa chọn trên cơ sở cân đối nguồn lực và sự cần thiết phải kiểm toán.

Nhưng công ty đại chúng, đặc biệt là đơn vị niêm yết trên thị trường chứng khoán đã thuê kiểm toán độc lập rồi, thì KTNN có nhất thiết phải thực hiện kiểm toán nữa không?

KTNN chỉ kiểm tra vốn liếng, tài sản nhà nước. Còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo tài chính của doanh nghiệp do công ty kiểm toán độc lập kiểm tra, xác nhận, đánh giá độ tin cậy để làm yên lòng nhà đầu tư và những người có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

Có người cho rằng, doanh nghiệp nào đã thuê công ty kiểm toán độc lập rồi thì KTNN không nhất thiết phải kiểm toán. Tôi cho rằng, quan điểm này không đúng, bởi kiểm toán độc lập không công khai tất cả sai phạm của doanh nghiệp. Sai phạm của doanh nghiệp chỉ được công ty kiểm toán độc lập gửi cho ban lãnh đạo doanh nghiệp, chứ không được công bố rộng rãi, nên cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước không có cách gì biết được và cũng không có cách gì biết được vốn nhà nước tại doanh nghiệp có an toàn không, sử dụng hiệu quả thế nào, nếu KTNN không tiến hành kiểm toán.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, doanh nghiệp không bắt buộc phải thực hiện khuyến cáo của công ty kiểm toán độc lập, nên dù đã được kiểm toán độc lập, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính. Nếu điều này xảy ra mà không được KTNN thường xuyên kiểm toán, thì vốn liếng, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ bị thất thoát, lãng phí, thậm chí doanh nghiệp có thể bị mất hết vốn.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục