Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 578 USD/tấn vào ngày 22/8, tăng thêm 8 USD so với mức 570 USD/tấn một tuần trước đó.
Xu hướng giá gạo xuất khẩu tại các nước sản xuất gạo hàng đầu ở châu Á cũng đồng loạt tăng trong tuần này.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ở mức từ 540 - 545 USD/tấn, tăng so với mức từ 536 - 540 USD/tấn của tuần trước. Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 570 USD/tấn so với tuần trước.
Qua 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thành công 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% trị giá so với cùng kỳ, tập trung vào thị trường lớn như Phipinnies, Trung Quốc, Indonesia… Giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt 7 tháng tăng 18,2% so với cùng kỳ.
Giá gạo trong nước lẫn xuất khẩu tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa và các nhà xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo hiện lọt top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao bên cạnh rau quả, cà phê. Hiện, đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia... đang đổ dồn về Việt Nam.
Mới nhất, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo, đang tăng cường nhập khẩu gạo trong tháng 8/2024 với sản lượng lên đến 350.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay với các nguồn cung ưu tiên từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Pakistan. Từ các đợt đấu thầu gần đây, gạo Việt Nam vẫn giữ được sức cạnh tranh tốt so với các nguồn cung khác.
Các doanh nghiệp dự báo, thị trường lúa gạo từ nay đến cuối năm sẽ đứng ở mức cao, nhưng khó đột biến như những tháng cuối năm 2023.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán, năm 2024, sản xuất lúa gạo ước đạt khoảng 43,4 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có thể dành khoảng 7,6 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. 7 tháng ta đã xuất bán hơn 5 triệu tấn, dự kiến sẽ xuất dưới 3 triệu tấn trong những tháng còn lại.