Chỉ cứu được doanh nghiệp khi họ "còn sống"

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp (DN) tạm dừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể trong quý I/2012 đã lên tới 12.000.

> Cứu doanh nghiệp, “hà hơi” chưa hết ngạt!

> Bộ Tài chính “làm rõ” về gói hỗ trợ DN

> 25.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp  

Theo con số của ngành thuế cho thấy, DN nộp thuế cuối năm ngoái giảm xuống rất mạnh, chứng tỏ dù DN chưa ở diện “dừng hoạt động” thì cũng đã không còn khả năng nộp thuế.

Thực tế đã cho thấy tất cả những vấn đề của kinh tế vĩ mô hiện đang tạo ra những sức ép khó khăn vô cùng lớn đối với hầu hết DN. So với thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới tác động đến Việt Nam năm 2009-2010, thì khó khăn của các DN trong năm 2011-2012 còn gay gắt hơn rất nhiều!

 

Ngoài các yếu tố khách quan như giá cả, chi phí lao động, thị trường tiêu thụ bế tắc, lãi suất tăng cao thì chính những hạn chế nội tại của DN cũng là nguyên nhân dẫn tới tình cảnh bi đát hiện nay. Bởi vì, hơn 50% DN nhỏ và vừa của Việt Nam dựa vào vốn vay của ngân hàng (NH) và nguồn vốn vay có lúc chiếm tới 70-80%, khi lãi suất tăng cao thì chắc chắn sẽ đẩy DN vào khó khăn.

 

Về quản trị, DN phần lớn chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản nên đa số kinh doanh không có chiến lược, đầu tư không đúng nơi, đúng chỗ... Do đó, khi thị trường khó khăn, rất nhiều DN đã không trụ nổi.

 

Bên cạnh đó, phần lớn DN hoạt động ở những lĩnh vực ngắn hạn, dựa vào đầu vào giá tương đối thấp như tài nguyên, lao động giá rẻ. Giá chi phí ban đầu không cao, nhưng ngày càng tăng làm cho chiến lược kinh doanh bị khó thêm.

 

Ngoài ra, DN trong nước thiếu sự liên kết chuỗi, kể cả tham gia xuất khẩu trong chuỗi giá trị ở bên ngoài cũng yếu. Do đó, mỗi khi có biến động về kinh tế thì tất cả quan hệ đó bị gãy đứt, làm cho DN rơi vào khó khăn nặng nề hơn.

 

Trong thời gian qua, Nhà nước tập trung cao nhất vào nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn khi ưu tiên tín dụng cho các DN xuất khẩu, cho nông nghiệp, nông thôn, cho DN nhỏ và vừa.

 

Điều đáng tiếc là trên thực tế, DN nhỏ và vừa không nhận được ưu tiên này, nên không tiếp cận được vốn tín dụng và dẫn đến hiện trạng hàng loạt DN “dừng hoạt động”.

 

Cuối năm ngoái, Nhà nước chủ trương giãn thuế, giảm thuế cho DN, nhưng thời điểm đưa ra quá muộn và chưa đủ để cứu DN. Muộn vì trên thực tế, đến khi con số DN không đóng thuế lên đến hàng chục ngàn thì mới có chính sách giãn thuế.

 

Cứu lúc còn “thoi thóp” thì DN còn có thể vực dậy được, chứ đến lúc “chết lâm sàng” thì làm sao cứu nổi. Và nếu như có chính sách mạnh dạn hơn, xem xét trong bối cảnh này để giảm hẳn thuế DN trong một số lĩnh vực thì sẽ là cách “cứu” DN căn cơ hơn.

 

Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều chính sách không “đồng hành” với DN khiến DN phải chịu nhiều chi phí khác liên tục tăng, ngay cả những chi phí tưởng như không trực tiếp như y tế. Hay việc tính thêm tiền phí một số con đường cũng làm tăng chi phí đầu vào của DN.

 

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất huy động về mức 12%/năm và những cam kết rất mạnh của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có vẻ đã không gây ấn tượng. DN vẫn thờ ơ vì khó tiếp cận nguồn vốn.

 

Nếu chỉ hạ lãi suất huy động thì phần lợi thuộc về NH là chính, phải giảm lãi suất đầu ra tương ứng để hài hòa lợi ích của DN và NH. Rõ ràng, chỉ giảm lãi suất huy động là chưa đủ, cần phải có biện pháp mạnh hơn trong việc cân đối hài hòa lợi ích giữa các nhóm đối tượng.

 

Với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán xu hướng tăng mạnh số lượng DN phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong thời gian tới.

 

Về giải pháp, theo tôi, thứ nhất là nên xem xét giãn thuế thu nhập DN xuống mức dưới 20%, vì hiện nay, mức thuế thu nhập DN của nước ta quá cao so với các nước khác trong khu vực. Tìm kiếm giải pháp không chỉ cứu DN trong thời gian trước mắt, mà còn giúp DN có niềm tin, có động lực vươn lên. DN có khỏe thì nền kinh tế mới khỏe được.

 

Thứ hai, xem lại giá đất đai, chi phí mặt bằng cho DN. Thứ ba, cần rà soát lại chi phí dịch vụ công và giảm tối đa tất cả chi phí có thể gây thêm khó khăn cho DN.

 

Tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của xã hội, tạo thêm gánh nặng cho DN. Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất, chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp, vừa không cứu được DN, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu DN trên nền tảng kiềm chế lạm phát.


DNSG

Tin cùng chuyên mục