Chi cục thuỷ sản, cảng cá cần nắm rõ các quy định chống khai thác IUU

0:00 / 0:00
0:00

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các địa phương hiện còn tình trạng Chi cục thuỷ sản, cảng cá không nắm rõ các quy định chống khai thác IUU.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ tại Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. Hội nghị này được tổ chức sáng nay, tại TP.HCM.

Hơn 3 năm, từ khi khởi động chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” từ 25/09/2017 đã có 62 nhà máy tham gia, thực hiện 4 nhóm công việc từ cam kết chống khai thác IUU, đề xuất/góp ý xây dựng các văn bản pháp lý liên quan, hợp tác với các bên/quan hệ quốc tế và truyền thông.

Ở tỉnh, Chi cục, cảng cá không thuộc “bài” như tàu cá phải có nhật ký, khai báo 1 tiếng trước khi cập cảng thì làm sao có thể tham mưu cho Sở, tỉnh?

Được biết, EU luôn là thị trường trong Top 4 của thuỷ sản Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu quanh mức 1,2 - 1,4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, khó khăn và cũng là thách thức lớn nhất của ngành thuỷ sản Việt Nam tới khi EU rút "thẻ vàng" IUU về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, duy trì từ tháng 10/2017 đến nay.

Nhu cầu giảm, tác động của "thẻ vàng" và chịu tác động kép của dịch Covid-19 nên từ năm 2019, EU chỉ còn chiếm 11,6% tổng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, rơi xuống vị trí thứ tư sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chương trình chống khai thác IUU cần được nhận thức là hành trình cần nhiều thời gian thực hiện, không chỉ hướng đến mục tiêu gỡ “thẻ vàng”, mà còn nhằm xây dựng ngành thuỷ hải sản đi đến phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối hoàn chỉnh; việc tổ chức thực hiện, nhận thức của cộng đồng xã hội dần rõ ràng cũng như công tác tuyên truyền tích cực.

Thêm vào đó, một số địa phương trích ngân sách đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Dù vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, còn rất nhiều công việc phải làm, đặc biệt liên quan đến quản lý tàu qua thiết bị giám sát, nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc.

“Tàu cá cập bến phải truy xuất được nguồn gốc nhưng nắng chang chang, không có mái che thì làm sao bà con ngư dân có thể ngồi phân loại. Trong khi không phân loại được thì không truy xuất được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói và nhấn mạnh quan điểm từ Uỷ ban châu Âu (EC) rằng, “nếu còn tàu vi phạm thì không bao giờ gỡ được thẻ vàng”.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm có thể đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Ảnh minh hoạ: Đức Thanh
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm có thể đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Ảnh minh hoạ: Đức Thanh

Chia sẻ thêm về mấu chốt này, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục thuỷ sản cho biết, nút thắt khó gỡ nhất về vấn đề này liên quan đến việc quản lý theo dõi giám sát thiết bị hành trình, bởi “gần như ngư dân ra biển ở các tỉnh còn mắc khá nhiều, các Chi cục không đủ người để kiểm soát vấn đề này”.

“Các tỉnh thời gian tới nên lập chuyên đề riêng, kiểm soát vấn đề lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải đảm bảo máy được bật suốt quãng thời gian từ lúc xuất đến khi cập bến. Đây là gốc của vấn đề, phục vụ xuyên suốt cho công tác chống khai thác IUU”, ông Hùng chia sẻ.

Nghề cá Việt Nam mang đặc thù nghề cá nhân dân nên tàu, thuyền nhỏ chưa có thói quen báo cáo, ghi chép.

Dù vậy, chỉ khi gỡ được "thẻ vàng" IUU thì giá trị từ Hiệp định thương mại tự do châu Âu (EVFTA) mới được tận dụng tuyệt đối.

Và giải pháp cũng cần được thực hiện đồng bộ từ các thành tố trong chuỗi cung ứng trải dài từ ngư dân khai thác - cảng cá - chủ vựa thuỷ sản - doanh nghiệp xuất khẩu - cơ quan Nhà nước phụ trách quản lý chuyên môn.

Thêm vào đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hạ tầng cho ngành thuỷ sản Việt Nam bị đánh giá còn nhếch nhác và giải pháp đầu tư công cho hệ thống này, kể cả nuôi trồng, khai thác, nuôi biển là một trong những giải pháp mang tính đột phá cho ngành thủy sản những năm tới.

Và việc huy động nguồn vốn đầu tư vào chế biến sâu, hạ tầng kho bãi… phục vụ xuất khẩu không thể chỉ phụ thuộc từ Trung ương mà còn cần đến nỗ lực của địa phương cũng như nguồn lực xã hội hoá.

Trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn diễn biến phức tạp, bùng phát đợt 3 tại các thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, do sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội ở các thị trường.

Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ. Đồng thời, Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ và cá biển khác đóng hộp.

Đối với thị trường EU, dù đại dịch khiến nhu cầu giảm và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này.

Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như tôm, cá ngừ, mực bạch tuộc và nhuyễn thể được hưởng thuế 0% khi hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất sang EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.

Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với dự báo trên, xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019, trong đó tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD, trong khi hải sản đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 3%.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục