Chỉ còn 23 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp

Từ hàng trăm doanh nghiệp, sau một thời gian siết chặt, lĩnh vực kinh doanh đa cấp tại Việt Nam hiện chỉ còn 23 doanh nghiệp, với những tên tuổi như Amway, Herbalife Việt Nam, Mỹ phẩm Thường Xuân, Nu Skin Enterprises Việt Nam....

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, tính đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp.

Như vậy, hoạt động kinh doanh đa cấp đã bị thu hẹp lại đáng kể sau một thời gian bị cơ quan quản lý mạnh tay xử lý, nhiều doanh nghiệp đã phải tự rút lui khỏi hoạt động kinh doanh đa cấp khi điều kiện kinh doanh thay đổi theo hướng siết chặt, tăng thêm điều kiện đăng ký kinh doanh.

Đơn cử như về điều kiện đăng ký hoạt động, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp phải có quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, mẫu hợp đồng tham gia bán hàng, nghị định mới yêu cầu chương trình đào tạo cơ bản phải kéo dài tối thiểu 8 tiếng và có cơ chế đánh giá hoàn thành của người tham gia bán hàng đa cấp. Ngoài ra, mức ký quỹ tối thiểu được nâng lên 10 tỷ đồng, so với 5 tỷ đồng như trước.

Việc minh bạch hóa hoạt động kinh doanh đa cấp cũng được đẩy mạnh với các điều kiện bắt buộc bổ sung như phải có hệ thống thông tin quản lý mạng lưới người tham gia được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại.

Ngoài ra còn có những quy định mới như cấm thực hiện hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp giấy chứng nhận, với mức xử phạt lên đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 5 năm. Mỗi người tham gia bán hàng đa cấp chỉ được có một mã số trong hệ thống. Doanh nghiệp không được thực hiện khuyến mãi sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình có nhiều hơn một mã số trong hệ thống...

Tiếp tục thông tin về các hành vi sai trái trong kinh doanh đa cấp tới người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Cơ quan này cho biết, hiện nay trên phương tiện Internet có đăng tải các nội dung giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng có tên “Reserve tế bào gốc” của Jeunesse có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh từ viêm phế quản, suy thận sơ gan đến cả bệnh nan y như ung thư.

Kèm theo đó các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube cũng lan truyền những video clip hướng dẫn việc tham gia mạng lưới của Jeunesse cùng kinh doanh để nhận được những nguồn thu nhập thụ động hàng ngàn USD mỗi tháng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Jeunesse không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp dân sự khác liên quan.

Qua tìm hiểu có thể thấy hoạt động tuyển dụng người và trả thưởng khi tham gia mạng lưới của Jeunesse có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, Bộ Công Thương hiện nay chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse như trên theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục