Chỉ có 1/4 doanh nghiệp được khảo sát từng nghe đến giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 28/4, tại Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã diễn ra hội thảo về “Thúc đẩy giải quyết tranh chấp trực tuyến trong Thương mại điện tử nhằm bảo vệ người tiêu dùng” với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế và các cơ quan ban ngành.
Chỉ có 1/4 doanh nghiệp được khảo sát từng nghe đến giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR)

Ưu nhược điểm của phương pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá rằng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử thì số vụ tranh chấp trên môi trường này cũng có xu hướng gia tăng. Ngay cả với thị trường truyền thống với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hơn thì việc giải quyết những tranh chấp này có thể không nhanh, thậm chí không dễ dàng. Trên môi trường Internet, việc giải quyết những vấn đề như vậy càng trở nên phức tạp hơn.

Đối với những quan ngại về các hành vi gian lận về hàng giả, thông tin, dữ liệu thanh toán và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, cách tiếp cận chính sách phổ biến hiện nay là gia tăng hiệu quả quản lý đối với thương mại điện tử và các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử. Trong khi đó, cách tiếp cận thông qua đơn giản hóa, giảm thời gian hoặc chi phí cho xử lý tranh chấp giữa các bên tham gia thương mại điện tử ít được quan tâm hơn.

Hiện nay, tại Việt Nam có 4 phương thức giải quyết tranh chấp, bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, thương lượng, hòa giải và trọng tài là các phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng (ADR).

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, các doanh nghiệp và cá nhân thường lựa chọn phương pháp thương lượng (57,8%), tòa án (46,8%) để giải quyết tranh chấp, hòa giải (22,8%) và trọng tài (16,9%) do các vấn đề liên quan đến cơ chế ràng buộc thực thi. Thời gian giải quyết tranh chấp cũng rất đa dạng, theo khảo sát thì 45,65% giải quyết tranh chấp dưới 1 tháng, 27,17% giải quyết tranh chấp từ 1 - 3 tháng và 15,22% giải quyết tranh chấp từ 3 - 6 tháng.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để đàm phán, sửa đổi và ký hợp đồng, nhu cầu về giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) cũng ngày càng cao.

Ưu điểm của ODR được nhóm nghiên cứu chỉ ra gồm có 4 ưu điểm. Thứ nhất, ODR giúp giải quyết các vấn đề phát sinh đơn giản, hiệu quả, nhanh chóng và tốn ít chi phí, khả thi về kinh tế hơn. Thứ 2 là quá trình giao tiếp thông qua các phần mềm trao đổi trực tuyến tương đối thuận lợi. Thứ 3 là khi trao đổi trực tuyến thì sẽ không bị giới hạn về phạm vi lãnh thổ. Ưu điểm cuối cùng là liên quan đến thương mại điện tử thì ODR sẽ tạo điều kiện lưu trữ hồ sơ, lưu trữ dữ liệu, quản lý tài liệu, tìm kiếm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhóm tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra 3 nhược điểm của ODR. Hạn chế đầu tiên liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ kể cả trong giao tiếp hay ngôn ngữ trên bàn phím. Khó khăn tiếp theo là yêu cầu về kỹ năng sử dụng máy tính bởi làm việc trực tuyến sẽ yêu cầu phải sử dụng thông thạo một số phần mềm để giao tiếp cũng như kỹ năng đánh máy.

Nhược điểm cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là sự chênh lệch trong hiểu biết về mặt pháp lý và pháp luật các nước bởi mỗi nước có pháp luật và yêu cầu quản lý đối với những tranh chấp trực tuyến là khác nhau.

Chỉ có 1/4 doanh nghiệp được khảo sát từng nghe đến ODR

Áp dụng hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) là để tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên theo khảo sát 373 doanh nghiệp thì chỉ có 1/4 các doanh nghiệp từng nghe đến ODR: chủ yếu qua truyền thông (khoảng 53%), qua mạng xã hội (khoảng 42%) và qua đào tạo/hội nghị (30%).

Thực trạng hiện nay, những doanh nghiệp tự đánh giá hiểu biết về ODR còn khá ít và các doanh nghiệp lớn, lâu năm hơn thì hiểu biết về ODR nhiều hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chia sẻ tại Hội thảo, Luật sư Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, người tiêu dùng được coi là bên yếu thế, rất dễ bị tổn thương trong các giao dịch mua bán vì vậy cần có cơ chế cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một báo cáo cho biết Việt Nam nằm trong TOP 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới. Do vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động trong đó có hoạt động giải quyết tranh chấp là 1 hướng đi tối ưu và sẽ là một xu thế.

Theo báo cáo của Vietnam eCommerce and Digital Economy Agency, có 72% số người được hỏi phản ánh chất lượng sản phẩm thấp hơn thông tin ở quảng cáo. Như vậy, tỉ lệ người tiêu dùng không hài lòng với chất lượng hàng hóa rất cao.

“Do đó, cần có cơ chế thích hợp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế đó phải đảm bảo đơn giản, thuận tiện, chi phí thấp và dễ dàng tiếp cận cho người tiêu dùng”, ông Dương nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung hoàn thiện các cơ sở kinh tế và pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực kết hợp với tăng cường hợp tác quốc tế để phổ biến và ứng dụng ODR hữu hiệu hơn trong cả hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục