Chi 7,1 tỷ USD nhập khẩu 51,2 triệu tấn than, chủ yếu phục vụ sản xuất điện

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 51 triệu tấn than đã được nhập khẩu về thị trường nội địa trong năm 2023, tăng tới 61,4% về lượng so với năm 2022, chủng loại than nhập khẩu chủ yếu là than antraxit và bán antraxit, bitum và á bitum dùng cho sản xuất điện
Nhập khẩu than năm 2023 tăng "khủng" với 51,2 triệu tấn, phục vụ cho sản xuất điện và một số ngành sản xuất công nghiệp. Nhập khẩu than năm 2023 tăng "khủng" với 51,2 triệu tấn, phục vụ cho sản xuất điện và một số ngành sản xuất công nghiệp.

Năm 2023, nhập khẩu than các loại vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 51,2 triệu tấn, trị giá khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 61,4% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với năm 2022.

Chủng loại than nhập khẩu chủ yếu là than antraxit và bán antraxit, bitum và á bitum dùng cho sản xuất điện. Nhu cầu nhập khẩu than tiêu thụ cho sản xuất điện tăng trong năm 2023, do vậy lượng than nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, do giá than nhập khẩu trung bình giảm 38% so với năm 2022 nên tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng nhẹ so với năm 2022.

Việt Nam nhập khẩu than chủ yếu từ Australia, Indonesia và Nga. Lượng than nhập từ các thị trường này đều tăng so với năm 2022.

Các thị trường cung cấp than cho Việt Nam năm 2023.

Các thị trường cung cấp than cho Việt Nam năm 2023.

Trong đó, Australia là thị trường cung cấp than lớn nhất cho nước ta với lượng nhập khẩu đạt 19,9 triệu tấn (chiếm 38% tổng lượng nhập khẩu) với trị giá khoảng 3,3 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng và giảm 23,6% về trị giá so với năm 2022.

Indonesia là thị trường cung cấp than lớn thứ hai cho Việt Nam đạt khoảng 19,3 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 86,8% về lượng và tăng 31,3% về trị giá so với năm 2022. Nhập khẩu từ Nga đạt khoảng 4,4 triệu tấn, kim ngạch khoảng 847,6 triệu USD, tăng 96,7% về lượng và tăng 44,1% về trị giá so với năm 2022.

Trong khi lượng than nhập khẩu từ Australia, Indonesia và Nga tăng so với năm 2022 thì lượng nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia giảm, tương ứng giảm 47,2%, 46,3% và 98,9%.

Thiếu than cho các ngành sản xuất, chủ yếu là phục vụ sản xuất điện đang là một thực tế khi nhìn vào sản lượng than đá nhập khẩu tăng mạnh sau mỗi năm và vẫn trên đà tăng. 4 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than đá vọt lên xấp xỉ 20 triệu tấn, trị giá 2,61 tỷ USD, tăng lần lượt 67,9 và 30,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó vào cuối năm 2023, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 3111 phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024. Bộ yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp 74,307 triệu tấn than để cấp cho sản xuất điện năm 2024. Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26,1 triệu tấn.

Còn theo Quyết định 3110/QĐ-BCT, phê duyệt Kế hoạch Cung cấp điện và Vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 để các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, nhu cầu than cho phát điện tăng cao, nên lượng than nhập khẩu tăng cao.

Kế hoạch nhiệt điện than năm nay đóng góp khoảng 159,3 tỷ kWh, nhiệt điện khí đóng góp 23,1 tỷ kWh (trong đó, khí LNG là 768 triệu kWh), năng lượng tái tạo các loại đóng góp 40 tỷ kWh (điện gió là 11,1 tỷ kWh và điện mặt trời là 25,7 tỷ kWh).

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục