Chỉ 42,9% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về các hợp đồng mua sắm công qua các kênh công khai

(ĐTCK) Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 vừa được VCCI công bố cho thấy môi trường kinh doanh năm 2019 đã có nhiều cải thiện theo hướng tích cực bình đẳng hơn, song chất lượng cũng như sự minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công vẫn cần được cải thiện, đồng thời nhiều vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt cần được sớm tháo gỡ.
Chỉ 42,9% doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về các hợp đồng mua sắm công qua các kênh công khai

Cụ thể, theo kết quả điều tra PCI 2019 vừa công bố, có 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải bao gồm: tìm kiếm khách hàng với 63% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời đang gặp phải, tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2020 và thời gian tới bởi những tác động tiêu cực do bùng phát dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương.

Điều tra PCI 2019 cũng cho thấy môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện theo hướng bình đẳng hơn.

Theo số liệu khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước thường dễ dàng hơn trong việc có được hợp đồng từ cơ quan nhà nước” vào năm 2019 chỉ còn là 21%, so với con số 27% của năm 2015. Chỉ 19,1% doanh nghiệp dân doanh đồng ý với nhận định các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước được thực hiện “thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản hơn” (năm 2015 là 23%).

Đáng chú ý, báo cáo PCI năm 2019 đã cho thấy mức độ ưu ái của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp lớn và thân hữu có dấu hiệu giảm so với các năm trước.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh” chỉ còn là 63,4%, giảm mạnh từ con số 76,9% của năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh cho biết “ưu đãi với các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp” là 51,1%, đã giảm so với mức 56,5% năm 2015.

Theo ông Tuấn, những con số của điều tra năm 2019 là đáng khích lệ, song chính quyền các địa phương vẫn cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp dân doanh.

Cũng theo nhận định của các doanh nghiệp, tính minh bạch có dấu hiệu được cải thiện với việc PCI 2019 ghi nhận các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin so với năm trước, song vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện một số chỉ tiêu tiếp cận thông tin quan trọng.

Doanh nghiệp cho biết khả năng tiếp cận các tài liệu quy hoạch đã tăng từ 2,38 điểm vào năm 2018 lên mức 2,50 điểm vào năm 2019, trên thang điểm 1-5 (1 là Không thể tiếp cận, 5 điểm tương đương rất dễ tiếp cận).

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh” đã giảm từ 53,2% năm 2018 xuống còn 47,1% năm 2019.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá chất lượng website của chính quyền các tỉnh, thành phố cũng đã cải thiện hơn và tỷ lệ doanh nghiệp truy cập trang web của tỉnh, thành  phố có xu hướng tăng.

"Những chỉ tiêu trên của năm 2019 đều có sự cải thiện đều đặn kể từ năm 2015 tới nay. Điều này cho thấy những nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây đã có kết quả", ông Tuấn nhận định.

Dù vậy, theo đại diện VCCI, kết quả điều tra 2019 cho thấy các cơ quan chính quyền địa phương vẫn cần phải tiếp tục tăng cường mức độ minh bạch trong cung cấp dịch vụ công. Một vài chỉ tiêu, ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh, thương lượng về mức thuế và khả năng dự đoán được việc thực thi của chính quyền địa phương đối với pháp luật của Trung ương cần được cải thiện. Bên cạnh đó, sự chuyển biến của một vài khía cạnh của chỉ số này lại thiếu ổn định.

Ví dụ, khi yêu cầu các cơ quan chính quyền tỉnh, thành phố cung cấp thông tin, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có nhận được thông tin của năm 2019 chỉ là 65%, trong khi năm 2017 và 2018 lần lượt là 71,4% và 68,8%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tiếp cận được thông tin về các hợp đồng mua sắm công tại địa phương thông qua các kênh công khai chỉ là 42,9% năm 2019, trong khi con số này của năm 2018 là 55%, tức là lại giảm về khả năng tiếp cận thông của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm đặt ra đối với các cơ quan công quyền địa phương.

Riêng về phản hồi của khu vực doanh nghiệp FDI, báo cáo PCI năm 2019 cho thấy, các doanh nghiệp này tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Những cải thiện ấn tượng nhất là trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai và cắt giảm chi phí không chính thức cũng như gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Báo cáo PCI 2019 cũng dành một phần quan trọng để đánh giá việc áp dụng tự động hóa và số hóa vào trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Đã có một số lượng đáng kể doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu áp dụng tự động hóa và số hóa.

Hai yếu tố chính thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng tự động hóa, số hóa là chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động mới, đặc biệt khi doanh nghiệp khó tuyển được lao động có tay nghề phù hợp; đây cũng cách để doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Báo cáo PCI cho thấy việc tự động hóa, số hóa tại doanh nghiệp tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực tới thị trường lao động. Một số ngành nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động thêm, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Mặt khác, tự động hóa và số hóa làm giảm cơ hội việc làm của các lao động không có tay nghề hoặc tay nghề thấp.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và số hóa, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kỹ năng lao động và cải thiện quan hệ lao động.  

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục