“Chết trên đống vàng”

Trước đây NHNN cho phép 5 NHTM (nhóm G5+1) được bán vàng huy động để cho vay nhằm bình ổn thị trường, đã có lãi lớn. Nay giá vàng thế giới tăng, các NHTM bán vàng trước đây phải mua lại để trả cho người gửi khi mà ngày 25-11 tới đây chấm dứt việc huy động vàng, nên đã bị lỗ nặng.
“Chết trên đống vàng”

Nhiều người ví nhóm G5+1 “từ lợi thế thành thất thế”. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Lợi thế từ đâu?

 

Ví dụ một NH nằm trong nhóm G5+1 huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng và giữ hộ vàng cho khách hàng có trả phí. Giả sử NH này chuyển đổi 40% lượng vàng huy động thành tiền đồng để cho vay, 60% số vàng còn lại cho vay vàng vật chất.

 

Nếu như thời điểm bán vàng giá 42 triệu đồng/lượng (quy đổi theo giá quốc tế), NH chuyển đổi 40% được 10.000 tỷ đồng.

 

Thật ra không hẳn “lợi thế thành thất thế”, vẫn có NH biến “lợi thế thành lợi nhuận”, việc “thất thế” chẳng qua NH nào dự báo sai khi cho rằng giá vàng năm nay sẽ không tăng nên đã vừa mua vừa bán (mua để bảo hiểm giá bán vàng trong nước, còn bán là dự báo giá vàng sẽ hạ) vàng kỳ hạn trên tài khoản quốc tế. Đương nhiên muốn có lợi nhuận cao thì rủi ro phải lớn.

 

Để bảo hiểm cho khoản này (phòng giá vàng thế giới tăng) NH lập tức mở Tài khoản vàng ở nước ngoài (chỉ có nhóm G5+1 được mở), sau đó ký “Hợp đồng kỳ hạn mua vàng nước ngoài” tương ứng với 40% lượng vàng bán ra và ký quỹ bằng tiền mặt.

 

Thông thường ký quỹ này không quá 7% lượng vàng ký quỹ quy ra ngoại tệ, tức tương đương mức 700 tỷ đồng. Nếu giá vàng lên là có lãi, còn ngược lại giá vàng xuống buộc phải bổ sung tiền ký quỹ, nếu không sẽ bị đóng trạng thái và tất toán.

 

Tuy nhiên, nên nhớ khi giá vàng lên (chẳng hạn quy đổi ra 48 triệu đồng/lượng ở thời điểm gần đây), NH mua vàng kỳ hạn có lãi nhưng là bù vào giá vàng của khách hàng gửi khi bán ở thời điểm 42 triệu đồng/lượng.

 

Lợi thế ở đây chính là khoản 93% tiền mặt giữ lại, tương đương 9.300 tỷ đồng đem ra cho vay ở thời điểm đó với lãi suất từ 20-22%/năm. Với mức lãi suất này nếu trừ đi lãi suất cho chứng chỉ vàng và phí giữ hộ vàng vẫn còn lãi lớn.

 

Cũng xin nói thêm rằng, 60% số vàng huy động và giữ hộ như nói trên được cho vay bằng vàng vật chất và tiêu qua nhiều cửa: doanh nghiệp vay bán lấy tiền đồng sẽ có lãi suất rẻ hơn vay VNĐ nhưng phải chấp nhận rủi ro; NH khác vay cũng bán lấy tiền đồng cho vay lại chấp nhận rủi ro khi giá vàng tăng…

 

Tuy nhiên, dù có tiêu qua cửa nào thì bên vay phải thế chấp bên cho vay bằng các tài sản như nhà đất, chứng khoán, thư bảo lãnh… Và cũng tương tự như ký hợp đồng kỳ hạn mua vàng nước ngoài, bên vay phải ký hợp đồng với bên cho vay khi giá vàng lên phải bổ sung tài sản thế chấp, nếu không sẽ bị buộc tất toán hợp đồng và bên cho vay bán tài sản thế chấp.

 

Do vậy, tài sản thế chấp vay vàng vật chất được thẩm định rất kỹ, có tính thanh khoản cao, bởi phòng trường hợp giá vàng tăng mạnh như thời gian qua, bên vay lỗ nặng lại không có tài sản bổ sung nên “bỏ của chạy lấy người”, mà bên cho vay bán không được xem như ôm “cục nợ”. Trường hợp này rất dễ thấy khi giá chứng khoán liên tục xuống còn bất động sản thì “đóng băng”.

 

Vậy thất thế từ đâu?

 

Thất thế là do lòng tham và dự báo sai giá vàng. Thực ra từ đầu năm đến giữa năm 2012, ít có chuyên gia trong và ngoài nước dự đoán giá vàng thế giới sẽ tăng và tăng mạnh như hiện nay.

 

Do vậy, nhiều NH mở Tài khoản vàng nước ngoài không chỉ để ký “hợp đồng kỳ hạn mua vàng nước ngoài” để bảo hiểm cho khoản vàng bán của khách hàng gửi, mà còn ký “hợp đồng kỳ hạn bán vàng nước ngoài” để tìm lợi nhuận khi giá vàng giảm như đã dự báo trước đó.

 

“Chết trên đống vàng” ảnh 1

Mô hình cơ bản huy động vàng, chuyển đổi VNĐ và cho vay vàng vật chất của NH

 

Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, ngay sau khi Hoa Kỳ tuyên bố gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3), ngay lập tức giá vàng tăng mạnh. Được biết, có NH nằm trong nhóm G5+1 khi ký “hợp đồng kỳ hạn mua vàng nước ngoài” đến thời điểm tất toán đã có lãi 10.700 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, cũng chính NH này có “hợp đồng kỳ hạn bán vàng nước ngoài” với mức lỗ lên đến 10.100 tỷ đồng. Tính ra lãi được 600 tỷ đồng, nhưng không thấm vào đâu so với số lỗ phải mua lại vàng trả cho khách hàng khi bán ở giá thấp.

 

Một thất thế khách quan mà không NH nào lường được, đó là khi giá vàng tăng cao gần kề với ngày 25-11 khi các NHTM chấm dứt việc huy động vàng. Do vậy, nhiều khách hàng tranh thủ rút vàng bán lấy tiền đồng gửi NH như một dạng đầu tư, bởi NHNN chưa có quy định cho người dân gửi vàng vào đâu; có khách hàng đầu tư chờ giá lên nữa muốn gửi lại, NH cũng không dám nhận giữ vàng đành đem về.

 

Cùng thời điểm này, thị trường vàng còn bị NHNN độc quyền với thương hiệu vàng SJC, nên các thương hiệu vàng khác không được thị trường chấp nhận gây nên cảnh cung không đủ cầu. Và thế là giá vàng trong nước luôn giữ ở mức cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 2-3 triệu đồng/lượng. NH mua vàng trả lại cho khách hàng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Chính vì vậy mới có chuyện “chết trên đống vàng”.


SGĐTTC

Tin cùng chuyên mục