“Chết đứng” trái phiếu VEC

Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản hơn 500 tỷ đồng lãi và gốc trái phiếu công trình đến hạn.
Phí từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện là nguồn thu duy nhất của VEC Phí từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện là nguồn thu duy nhất của VEC

Việc Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 12761/BTC - QLN yêu cầu VEC tự thu xếp nguồn vốn hợp pháp để thanh toán lãi trái phiếu đến hạn cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-i-chi đã dập tắt “hy vọng” được cơ quan bảo lãnh hỗ trợ, đồng thời đẩy nhà đầu tư chủ lực trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc trước nguy cơ rơi vào một cuộc tranh tụng pháp lý với các trái chủ.

“Chúng tôi được hiểu là Bộ Tài chính đã từ chối thực hiện chức năng bảo lãnh thanh toán cho trái phiếu VEC”, ông Lương Quốc Việt, Phó tổng giám đốc VEC trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư hôm 19/10.

Điều đáng nói là, hiện VEC chỉ có nguồn tài chính hợp pháp duy nhất là khoản thu phí 700 triệu đồng/ngày từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, do phải ưu tiên trả nợ khối lượng hoàn thành cho nhà thầu thi công công trình, nên khả năng thanh toán khoản lãi suất đến hạn cho Dai-i-chi và một số trái chủ đang nắm trái phiếu VEC rất mong manh.

Được biết, tính đến giữa tháng 10/2012, VEC còn nợ tổng cộng 516,1 tỷ đồng chưa thanh toán cho trái chủ, trong đó 100 tỷ đồng là nợ gốc và 416 tỷ đồng lãi đến hạn. Đây là các khoản nợ gốc và lãi đến hạn của khoản trái phiếu công trình VEC được Bộ Tài chính bảo lãnh trị giá 4.400 tỷ đồng, để huy động vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Do trái phiếu của VEC chỉ có thời hạn tối đa 5 năm, trong khi thời gian hoàn vốn cho 2 dự án đường cao tốc nói trên lên tới 30 năm, nên nhà đầu tư này được Chính phủ chấp thuận cho phát hành trái phiếu để đảo nợ. Tuy nhiên, dòng tiền có thể coi là duy nhất này đã bị “bịt”, khi vào đầu tháng 9/2012, Bộ Tài chính đột ngột ngừng cấp bảo lãnh, dù trước đó, Bộ này đã đồng ý cho VEC phát hành 1.819 tỷ đồng trái phiếu, để cấp vốn thi công và trả nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn.

“VEC hiện chưa đáp ứng được điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh, nếu chiểu theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 34 Luật Quản lý nợ công và Điều 13, Nghị định 90/2011/NĐ - CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) nói.

Cụ thể, VEC không vượt qua được 2 điều kiện cần để được bảo lãnh là kết quả kinh doanh năm trước liền kề có lãi và báo cáo tài chính được kiểm toán phải là báo cáo chấp thuận. Nếu như điều kiện thứ hai mang tính kỹ thuật, có thể giải quyết được, thì yêu cầu VEC có lãi ngay trong giai đoạn đầu tư là việc bất khả kháng. “Theo tính toán, do phải trả lãi của các khoản vay (chi phí tài chính) cho các dự án và chi phí khấu hao lớn, trong khi nguồn thu không đủ bù đắp, dự kiến VEC bị lỗ kéo dài đến năm 2021”, ông Việt tính toán.

Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là điều quá mới và trên thực tế trong những năm gần đây, trái phiếu VEC đã có ít nhất 2 lần bị từ chối cấp bảo lãnh Chính phủ cùng với lý do nói trên.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính từ chối bảo lãnh phát hành trái phiếu VEC không chỉ khiến việc huy động vốn cho các dự án đường cao tốc do đơn vị này đầu tư gặp khó khăn, mà còn làm méo mó thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đang trong quá trình hình thành và phát triển. Nguy hiểm hơn, những quy định cứng nhắc liên quan đến điều kiện bảo lãnh phát hành trái phiếu công trình… đang đẩy mô hình xây dựng đường cao tốc - VEC đi vào bế tắc.

Được biết, với hy vọng tạo đột phá trong huy động vốn đầu tư phát triển đường cao tốc, ngày 10/9/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1202/QĐ - TTg về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án đầu tư, khai thác đường bộ cao tốc do VEC đầu tư. Cùng với việc bổ sung vốn điều lệ theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh của VEC, Bộ Tài chính được Chính phủ giao trách nhiệm bảo lãnh thanh toán trái phiếu trong và ngoài nước do nhà đầu tư này phát hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất biện pháp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giúp nhà đầu tư thu hồi vốn.

Các chuyên gia cho rằng, những cơ chế trên hoàn toàn không khác biệt so với “đề bài” mà Bộ Tài chính đang ra cho VEC: báo cáo Thủ tướng xin miễn trừ cho điều kiện về vốn chủ sở hữu và cơ chế phát hành trái phiếu để đảo nợ.

“VEC đang nỗ lực cùng các bộ, ngành kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế đặc thù này. Tuy nhiên, trong lúc chờ Chính phủ ra một nghị quyết để miễn trừ các điều kiện phát hành, Bộ Tài chính nên tiến hành thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán, nếu không muốn trái phiếu VEC “chết đứng”, nhằm đảm bảo uy tín cho Nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho cả các trái chủ”, ông Việt đề xuất.

Anh Minh (baodautu.vn)
Anh Minh (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục