Chênh trình độ phát triển, thị trường vốn ASEAN khó khơi thông

(ĐTCK) Theo Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thị Liên Hoa, tuy các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình hành động để thúc đẩy phát triển và hội nhập thị trường vốn khu vực, nhưng thực tiễn triển khai đang gặp không ít trở ngại.
Vào tháng 10 vừa qua, lãnh đạo các sở GDCK và công ty chứng khoán ASEAN đã nhóm họp tại Hà Nội nhằm xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh hơn  Vào tháng 10 vừa qua, lãnh đạo các sở GDCK và công ty chứng khoán ASEAN đã nhóm họp tại Hà Nội nhằm xây dựng thị trường vốn ASEAN vững mạnh hơn

Khó vì chênh trình độ phát triển

“Trừ một số nước phát triển hơn trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan, thị trường vốn các nước ASEAN còn lại là các thị trường có quy mô nhỏ, với phạm vi sản phẩm và các dịch vụ cung cấp còn hạn chế, tính thanh khoản thấp”, bà Liên Hoa cho biết tại Hội thảo “Các sáng kiến phát triển thị trường vốn ASEAN hướng tới thúc đẩy hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, do UBCK phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức cuối tuần qua.

Tại Hội thảo, diễn giả là các chuyên gia cao cấp của cơ quan quản lý thị trường vốn tại các quốc gia thành viên ASEAN đã tập trung trao đổi về một số sáng kiến nổi bật trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) và việc triển khai các sáng kiến này trong thực tiễn. Các sáng kiến ACMF được trình bày tại Hội thảo bao gồm: Kế hoạch hành động ACMF hướng tới hội nhập thị trường vốn khu vực 2020; kết nối giao dịch ASEAN Trading Link; Bộ Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN  CG Scorecard.

Bà Hoa cho biết, tuy các nước ASEAN đã thống nhất đưa ra nhiều sáng kiến và chương trình hành động để thúc đẩy phát triển và hội nhập thị trường vốn khu vực, nhưng với khoảng cách về phát triển kinh tế, ưu tiên về phát triển và hội nhập, cũng như chất lượng dịch vụ, năng lực cung ứng của các thành viên thị trường giữa các nước vẫn còn nhiều khác biệt, nên việc áp dụng các sáng kiến tại các quốc gia Campuchia, Lào, Mianmar và Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số khó khăn và trở ngại. 

Thống kê cho thấy, từ tháng 9/2012 - 8/2016, tuy khối lượng giao dịch qua kết nối ASEAN Trading Link đạt hơn 1 tỷ đơn vị, nhưng các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ là các thị trường quy mô nhỏ, phạm vi sản phẩm và dịch vụ hạn chế, tương đối thiếu thanh khoản, chi phí giao dịch cao... Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các thị trường ASEAN cần hợp tác để vươn lên sánh ngang với các thị trường phát triển, qua đó thu hút nhà đầu tư và các tổ chức phát hành xem xét lựa chọn khu vực này.

“Với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, các quốc gia đều mong muốn hội nhập mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn độ vênh trong trình độ phát triển giữa các quốc gia, trong đó Singapore và Thái Lan phát triển mạnh hơn. Do vậy, các quốc gia khác phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức”, ông Eric Sidwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhìn nhận. 

Cách nào khơi thông?

Để thu hút nhà đầu tư và các tổ chức phát hành xem xét lựa chọn thị trường ASEAN làm điểm dừng chân đầu tư, ASEAN cần trở thành một thị trường vốn phát triển mang tính hợp nhất và kết nối cao. Để làm được điều này, bà Hoa cho rằng, mỗi nước thành viên, đặc biệt là các nước có thị trường vốn kém phát triển hơn cần phải nỗ lực không ngừng, trong đó không chỉ là sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý, mà còn cần đến sự tích cực hưởng ứng và tham gia rộng rãi của các thành viên thị trường.

Ông Eugene Wong, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp và đầu tư, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị ACMF (Ủy ban Chứng khoán Malaysia) cho biết, kế hoạch hành động của ACMF giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đem lại sự kết nối tốt hơn các thị trường vốn trong khu vực. Các sáng kiến mới được giới thiệu trong giai đoạn này sẽ bao gồm chương trình phát triển thị trường, tài chính xanh, kế hoạch kết nối và đối thoại thị trường. Trong đó, chương trình phát triển thị trường của ACMF sẽ tập trung vào nhu cầu phát triển của các thành viên nhằm đạt được sự tham gia bao quát hơn trong các sáng kiến...

Bên cạnh đó, ông Eugene Wong cho rằng, cơ quan quản lý thị trường vốn trong ASEAN cần rà soát để hài hòa các quy định pháp lý, giúp cả bên mua (nhà đầu tư) lẫn bên bán (các tổ chức phát hành) thuận lợi trong thực hiện giao dịch, phát hành xuyên biên giới. 

“Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc lớn vào chất lượng đội ngũ nhân sự. Do đó, để giúp cho quá trình nâng cao chất lượng, tăng tính kết nối giữa các thị trường vốn trong ASEAN, các nước cần chú trọng tạo ra cơ chế hợp tác để giúp các chuyên gia được tự do dịch chuyển trong nội khối”, ông Eugene Wong đề xuất.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục