Té ngửa với lợi nhuận sau kiểm toán
Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời điểm này, số DN có chênh lệch số liệu lợi nhuận trên báo cáo kiểm toán so với báo cáo tài chính (BCTC) tự lập đã lên tới con số hàng trăm. Trong đó, không ít DN khiến nhà đầu tư, cổ đông “té ngửa” khi lợi nhuận giảm mạnh, từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX), DN vốn có “truyền thống” thay đổi số liệu sau kiểm toán tiếp tục gây bất ngờ với thị trường, khi công bố kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2014 đã kiểm toán sụt giảm tới gần 70 tỷ đồng, từ 80,08 tỷ đồng xuống còn 10,31 tỷ đồng. Hay CTCP Ntaco (ATA) lỗ 14,4 tỷ đồng, thay vì lãi 187 triệu đồng như ban đầu. Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex, sàn OTC) báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 9 tỷ đồng, thay vì lãi 4,8 tỷ đồng như công bố trước đó. CTCP Xây dựng số 5 (VC5) sau kiểm toán thay vì lãi 268 triệu đồng chuyển thành lỗ 17,235 tỷ đồng… CTCP Khoáng sản và VLXD Hưng Long (KHL), lãi sau thuế giảm gần 70% từ 2,1 tỷ đồng còn 635 triệu đồng do việc điều chỉnh giá vốn và chi phí bán hàng.
Ở chiều ngược lại, CTCP Than Đèo Nai (TDN) đột ngột từ lỗ 14,4 tỷ đồng sang lãi hơn 28 tỷ đồng…
Việc điều chỉnh lợi nhuận, dẫu từ lỗ sang lãi, hay lãi sang lỗ cũng khiến nhà đầu tư thiệt hại. Nhà đầu tư trót bán ra giá thấp khi công ty báo lỗ ban đầu sẽ phải nuối tiếc khi cổ phiếu tăng giá khi DN báo lãi sau kiểm toán, còn nếu họ trót “ôm” cổ phiếu khi DN báo lãi/lãi lớn trong báo cáo tài chính tự lập sẽ chịu thiệt hại nặng khi lợi nhuận sau kiểm toán sụt giảm mạnh/lỗ.
DN lờn vì giơ cao đánh khẽ?
Dưới góc nhìn của ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán là câu chuyện bình thường và phổ biến. Bởi lẽ, với từng người, mức độ hiểu biết về chế độ, chính sách, các văn bản hướng dẫn có thể khác nhau, do vậy, các DN cần có kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán độc lập để kiểm tra lại, xác định sai đúng và yêu cầu kế toán chỉnh sửa. Tuy nhiên, DN cần hạn chế tình trạng chênh lệch số liệu giữa BCTC trước và sau kiểm toán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK)cần yêu cầu DN giải trình rõ ràng nguyên nhân này.
Tất nhiên, những trường hợp DN có sự chênh lệch lợi nhuận, theo quy định, đều gửi báo cáo giải trình với UBCK, Sở GDCK. Nào là doanh thu thuần giảm, chi phí tăng; kế toán ghi trùng chi phí, hay báo cáo hợp nhất được lập trên cơ sở BCTC của các công ty con, mà nay báo cáo sau kiểm toán của các công ty con có sự điều chỉnh lợi nhuận nên báo cáo hợp nhất cũng phải điều chỉnh các khoản dự phòng nợ phải thu nội bộ, khiến lợi nhuận sụt giảm… Bên cạnh những bản giải trình về nguyên nhân khách quan, chẳng hạn do sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán nên DN có sự điều chỉnh số liệu thì có không ít giải trình không cụ thể, thiếu thuyết phục, hoặc cho thấy nguyên nhân hoàn toàn do phía chủ quan - kế toán DN.
Tình trạng DN đang lỗ thành lãi, đang lãi sang lỗ lại tái diễn mỗi mùa công bố báo cáo kiểm toán, soát xét đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng việc cơ quan quản lý thị trường yêu cầu giải trình rồi “để đó”, mà không có các chế tài mạnh tay khiến DN lờn quy định?
Nghị định 105/2013 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán có hiệu lực từ 1/12/2013, tại Điều 10 có quy định, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi giả mạo BCTC, khai man số liệu trên BCTC; thoả thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo BCTC, khai man số liệu trên BCTC; thông tin, số liệu công khai BCTC sai sự thật. Chế tài xử phạt đã có, nhưng cho tới nay, chưa có trường hợp DN nào bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
Nguyên nhân được một chuyên gia trong ngành lý giải, đó là kế toán là lĩnh vực khá phức tạp, nên phải có chuyên môn sâu mới có thể phát hiện những sai phạm, gian lận trong lập BCTC. Việc kiểm tra, phát hiện sai phạm đã khó, nhưng lại có một vấn đề “tế nhị” là trong khi đối tượng công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác kế toán khi đang thi hành công vụ có quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao, thì thẩm quyền xử phạt lại thuộc về thanh tra viên tài chính các cấp, chánh thanh tra Sở Tài chính, Chánh thanh tra Bộ Tài chính và Chủ tịch UBND các cấp.
“Chẳng hạn, Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán có thẩm quyền và đủ năng lực để kiểm tra những sai phạm trong công tác kiểm tra. Nhưng sẽ khó có chuyện một bên kiểm tra, lập biên bản đề xuất cho một bên khác xử phạt”, chuyên gia trên nhìn nhận.
Vì vậy, trong khi pháp luật vẫn còn quy định theo kiểu tách bạch giữa quyền thanh kiểm tra công tác kế toán và quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, có lẽ nhà đầu tư tiếp tục trông chờ vào sự tự giác minh bạch cũng như ý thức giữ gìn uy tín trước cổ đông của DN!