Theo báo cáo tài chính riêng, quý II/2021, HEM đạt doanh thu 69,4 tỷ đồng, giảm 32% so với quý II/2020; lợi nhuận sau thuế là 2,52 tỷ đồng, tăng 60% so với quý II năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HEM đạt doanh thu 135,6 tỷ đồng, giảm 39,5% so với 224,6 tỷ của cùng kỳ năm ngoái; doanh thu hoạt động tài chính 7,4 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 8,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý II/2021, HEM đạt doanh thu hợp nhất 76,7 tỷ đồng; giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính là 1,9 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất vỏn vẹn 388 triệu đồng, giảm 83% so với quý II/2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, HEM đạt doanh thu hợp nhất 149,1 tỷ đồng, giảm 42% so với 6 tháng đầu năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 5,1 tỷ đồng, giảm 63% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính năm 2019 xuất hiện khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 207 tỷ đồng được thuyết minh là trái phiếu CTCP Đầu tư nước sạch và Môi trường ECO&MORE, có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn ngày 19/7/2021. Đến 30/6/2021, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này đã giảm xuống còn 27,7 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2021, HEM có Tiền và tương đương tiền là 21,7 tỷ đồng, giảm 80% so với đầu năm. Đầu tư tài chính ngắn hạn (chứng khoán kinh doanh) là 27,7 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm.
Phải thu ngắn hạn khách hàng tại 30/6/2021 là 261 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 147 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Hàng tồn kho là 174 tỷ đồng. Đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh liên kết 269,3 tỷ đồng, xấp xỉ so với đầu năm nhưng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu nợ của HEM chủ yếu là nợ ngắn hạn (nợ dài hạn chỉ hơn 1 tỷ đồng). Nợ ngắn hạn 149,3 tỷ đồng, giảm 25% so với đầu năm, trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 39,4 tỷ (giảm 33%), vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 84,4 tỷ, giảm 24% so với đầu năm.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 vỏn vẹn 32 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là 241 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư là âm 55,3 tỷ đồng (cùng kỳ là dương 12,6 tỷ đồng), chủ yếu là do khoản 55 tỷ đồng chi cho vay mua công cụ nợ của đơn vị khác. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là âm 79,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 23,6 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận công ty mẹ tăng, công ty cho biết, do trong quý II/2021 công ty mẹ thanh lý tài sản không sử dụng, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Còn lợi nhuận hợp nhất quý II/2021 giảm chủ yếu là do sự sụt giảm về lợi nhuận của công ty con là Công ty TNHH sản xuất thiết bị lưới điện G-Power.
Tiền thân là Nhà máy chế tạo điện cơ được thành lập cách đây 50 năm, HEM được cổ phần hóa vào năm 2009. Ngành nghề chủ yếu là thiết kế, chế tạo, kinh doanh các loại động cơ điện, máy bơm, máy phát điện, máy biến áp, hệ thống tủ điện.
Sau khi sáp nhập thêm CTCP Chế tạo máy điện Việt - Hung, đến nay HEM có vốn điều lệ 387 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất nắm giữ 76,7% vốn là Tổng công ty Thiết bị điện GELEX.
HEM cũng sở hữu 35% phần vốn góp trong liên doanh SAS-CTAMAD, chủ đầu tư Tổ hợp tòa nhà văn phòng và khách sạn 5 sao Melia tại 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Liên doanh này hoạt động khá hiệu quả, mang lại cổ tức khá lớn cho HEM hàng năm.
HEM hiện cũng đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất rất lớn khác như lô đất trụ sở tại mặt đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm và lô đất của Trường cao đẳng công nghệ Hà Nội cũng ở khu này. Ngoài ra HEM còn có miếng đất rất lớn ở Đông Anh (là đất của Vihem – công ty bị sát nhập vào HEM năm 2019).
Cổ phiếu HEM hiện có giá 14.900 đồng, nhưng hầu như không có thanh khoản.