Chế tài kiểu “linh hoạt”

(ĐTCK-online) Điểm chung giữa Thông tư 13 và Chỉ thị 01 là cùng yêu cầu các tổ chức tín dụng thu hẹp quy mô tín dụng ở mức... quá gắt gao, rồi rốt cục đều phải được điều chỉnh để tăng tính khả thi.
Sự linh hoạt của NHNN là cần thiết để việc điều hành chính sách phù hợp hơn với thực tiễn - Ảnh minh họa: Internet

Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành từ ngày 1/3/2011 đưa ra một lộ trình yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất trong tổng dư nợ của ngân hàng về dưới 22% trước ngày 1/7. Từ đó cho đến ngày 18/6 vừa qua, lãnh đạo   NHNN nhiều lần khẳng định không thay đổi lộ trình trên, đồng thời nhấn mạnh, sẽ áp dụng đúng biện pháp xử lý đối với những ngân hàng vi phạm là nâng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND trong 6 tháng cuối năm 2011 và cả năm 2012.

Tuy nhiên, trong một bài trả lời phỏng vấn được báo chí đăng tải sau đó, lãnh đạo NHNN lại "bật mí" là chỉ tạm nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với những ngân hàng vi phạm trong tháng 7 và sẽ chỉ áp dụng tiếp nếu sau đó, các ngân hàng này chưa thực hiện được yêu cầu. Nếu sau ngày 30/6, NHNN thực hiện đúng như sự bật mí này thì cách áp dụng chế tài của cơ quan này quả là linh hoạt, theo kiểu "giơ cao đánh khẽ". Đây không phải là lần đầu NHNN "nắn gân" các ngân hàng rồi sau đó lại "lỏng tay", việc cơ quan này đề xuất Chính phủ nới lộ trình tăng vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng thêm một năm là một trường hợp tương tự.

Không phủ nhận việc NHNN xử lý lỏng tay sau khi tuyên chặt chế tài vì có những lý do khách quan nhất định và dù xuất phát từ lý do khách quan hay chủ quan, sự linh hoạt là cần thiết để việc điều hành chính sách phù hợp hơn với thực tiễn, với quy luật, song ít nhiều sẽ làm giảm uy lực pháp lý của cơ quan này.

Động tác "nắn gân" rồi "lỏng tay" như kể trên được xem là giải pháp tình thế trong bối cảnh vừa phải thắt chặt tín dụng để chống lạm phát, vừa phải đảm bảo sự ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay. Về mặt kỹ thuật, cách điều hành "linh hoạt" này cũng được thực hiện thông qua công cụ thích hợp là chỉ thị (Chỉ thị 01), một công cụ thường được dùng trong các tình huống đặc biệt và không mang tính quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng “linh hoạt" cũng xuất hiện ở việc NHNN ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, một lĩnh vực cần sự ổn định nhiều hơn, mà dễ nhận thấy nhất là loạt thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các thông tư này có nội dung theo hướng nới dần các điều kiện thắt chặt tín dụng, nhưng dường như cũng mang tính… tình thế, bởi có diễn tiến khá nhanh. Cụ thể, khi Thông tư 13 còn chưa có hiệu lực thì đã có Thông tư 19 bổ sung, và khi cả hai thông tư này mới có hiệu lực được hơn nửa năm, một dự thảo thông tư thay thế cho cả hai đã được chuẩn bị xong, vừa mới được công khai xin ý kiến.

Như vậy, điểm chung giữa Thông tư 13 và Chỉ thị 01 là cùng yêu cầu các tổ chức tín dụng thu hẹp quy mô tín dụng ở mức... quá gắt gao (theo ý kiến phản biện của nhiều chuyên gia cũng như tổ chức tín dụng), rồi rốt cục đều phải được điều chỉnh để tăng tính khả thi. Phải chăng, thông qua cách ban hành các thông tư nói trên, cơ quan quản lý một lần nữa "giơ cao đánh khẽ" như là một kịch bản chủ động, chủ yếu để "răn đe" trước mắt hơn là tạo dựng một môi trường pháp lý ổn định?

Quang Huy
Quang Huy

Tin cùng chuyên mục