Chế tài hình sự với 3 tội danh trên TTCK, giờ G đã điểm

(ĐTCK) Chỉ còn 3 ngày nữa (ngày 15/8), thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý hình sự đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán sẽ có hiệu lực.
Luật sư Trần Minh Hải Luật sư Trần Minh Hải

>> Cụ thể hóa tội phạm hình sự trên TTCK

>> Tội phạm chứng khoán - còn những ai chưa lộ diện?  

“Lần đầu tiên hướng dẫn về xử lý hình sự đối với 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực từ ngày 15/8 tới, sẽ góp phần đấu tranh có hiệu quả hơn với vi phạm trên TTCK…”, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật BASICO, trao đổi với ĐTCK.

 

Chỉ còn 3 ngày nữa, Thông tư liên tịch 10/2013 (TT10) hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán có hiệu lực. Theo ông, việc này sẽ giúp tăng tính răn đe đối với các hành vi sai phạm đang diễn ra ngày một phức tạp và tinh vi?

Sau hơn 4 năm kể từ khi lần đầu tiên 3 tội danh gồm: “Cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán" ; "sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán" và "thao túng giá chứng khoán", được quy định trong BLHS sửa đổi năm 2009, đến nay mới có văn bản hướng dẫn chi tiết việc xử lý 3 tội danh này.

Trước đây, cùng một loại vi phạm nhưng được mô tả như nhau trong cả BLHS và trong các quy định xử phạt hành chính về lĩnh vực chứng khoán. Nhưng nay, với hướng dẫn cụ thể tại TT10, một ranh giới phân biệt đã hình thành. Trong bối cảnh các vi phạm có dấu hiệu hình sự trên TTCK ngày một diễn ra phức tạp và tinh vi, thì việc phân định ra ranh giới này sẽ là sự răn đe cần thiết đối với những động cơ phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán.

Cơ chế xử lý mới phân định rõ ràng hơn thẩm quyền giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) với các cơ quan tiến hành tố tụng, sẽ khắc phục được những hạn chế trong thẩm quyền xử lý vi phạm của UBCK do chưa có quyền tiếp cận thông tin từ điện thoại, thư tín điện tử, thông tin về tài khoản và giao dịch ngân hàng…, qua đó góp phần phát hiện, xử lý hiệu quả hơn các hành vi vi phạm trên TTCK.

 

Là người tham gia góp ý xây dựng TT10 ngay từ khi Bộ Tư pháp công bố Dự thảo đầu tiên, ông nhìn nhận gì về các nội dung hướng dẫn mang tính định tội, định khung hình phạt trong TT10?

Khi lượng hóa các dấu hiệu thuộc về thiệt hại vật chất để định tội, định khung hình phạt đối với 3 tội danh, thì xét trong mối tương quan với các loại tội phạm thuộc lĩnh vực kinh tế khác, rõ ràng cơ quan soạn thảo đã tính đến những đặc thù trong lĩnh vực chứng khoán. Do vậy, các mức thiệt hại vật chất đã được nâng cao hơn so với những hướng dẫn xử lý định tội thông thường đối với các tội phạm về kinh tế khác...

Tuy nhiên, nếu so sánh các mức gây thiệt hại để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt được quy định trong TT10 với đặc thù hoạt động của TTCK, thì các mức thiệt hại vật chất định tội, định khung hơi thấp. Cụ thể, khi hướng dẫn các tình tiết là yếu tố định khung tăng nặng hình phạt quy định đối với tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội thao túng giá chứng khoán, TT10 quy định: gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại về vật chất cho NĐT từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là từ 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên...

Với mức chỉ gây thiệt hại và thu lợi bất chính khá thấp như trên đã bị xem xét xử lý hình sự, sẽ làm tăng các trường hợp bị xử lý hình sự, khiến tăng áp lực cho các Sở GDCK, UBCK trong truy xuất, xử lý thông tin các giao dịch có dấu hiệu vi phạm.

 

Từ kinh nghiệm tư vấn giải quyết tranh chấp cho nhiều vụ việc xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán, ông nhận thấy TT10 có những quy định nào còn chưa chặt chẽ?

TT10 đưa ra căn cứ xác định thiệt hại về vật chất khá cụ thể, nhưng khi xác định về hậu quả phi vật chất thì còn quá mơ hồ. Cụ thể, khi hướng dẫn một số tình tiết là yếu tố định khung tăng nặng hình phạt quy định đối với cả 3 tội danh, TT10 đều quy định: ngoài gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTCK; làm mất niềm tin của NĐT vào TTCK; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của TTCK. Trong các trường hợp này, phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Với quy định mơ hồ trên, câu hỏi đặt ra là, gây hậu quả phi vật chất mức độ nào thì bị coi là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng? Ai là người đánh giá? Nếu giao hết cho cơ quan điều tra đánh giá vấn đề này, thì về lý thuyết vai trò của cơ quan điều tra thường thiên về hướng buộc tội, nên dễ rơi vào khả năng hình sự hóa các vụ việc chứng khoán. Nếu giao cho liên ngành đánh giá, thì thực tế với lợi thế áp đặt ý chí, nên cũng khó tránh khỏi vẫn thuộc về quan điểm của cơ quan điều tra. Do vậy, để bảo đảm tính khách quan, cần quy định rõ, chỉ có UBCK mới có thẩm quyền đánh giá vấn đề này và cũng chỉ có cơ quan này mới có thẩm quyền chuyển một vụ việc nào đó sang xử lý hình sự. 

Hữu Hòe thực hiện
Hữu Hòe thực hiện

Tin cùng chuyên mục