“Chê” ngân hàng yếu Việt Nam, ngân hàng ngoại tự vận động

Nhiều ngân hàng nước ngoài đang dần “thò một chân” vào thị trường Việt Nam để sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động khi điều kiện chín muồi.
Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM

Ngân hàng ASEAN “đổ bộ” vào Việt Nam

Tuần qua, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.HCM, đánh dấu sự hiện diện của ngân hàng này tại Việt Nam.

Việc mở hai văn phòng đại diện này, theo ông Preedee Dawchai, Tổng giám đốc Ngân hàng Kasikorn, là để tăng cường sự linh hoạt trong quản lý kinh doanh của khách hàng khi có nhu cầu mở rộng thị trường sang Việt Nam.

Ngân hàng Kasikorn cũng không giấu giếm ý định mở rộng số lượng văn phòng và chi nhánh tại Việt Nam khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép.

Với sự hiện diện của Kasikorn tại Việt Nam, nước ta hiện có hơn 50 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 50 chi nhánh ngân hàng ngoại, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và một số ngân hàng liên doanh.

Đáng lưu ý là, những năm trước, ngân hàng nước ngoài tăng xuất hiện tại Việt Nam chủ yếu thuộc những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều vào Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, gần đây, ngân hàng các nước ASEAN đã xuất hiện ngày càng nhiều, như Ngân hàng DBS (Singapore), Maybank (Malaysia)… Dường như các tổ chức tín dụng trong khu vực đã sẵn sàng đón đợi cơ hội từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hình thành cuối năm nay.

Ngân hàng ngoại đang “ném đá dò đường”

Không chỉ thành lập văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam, thời gian qua, một số ngân hàng trong khu vực còn muốn mua lại 100% vốn ngân hàng yếu để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Việc Ngân hàng UOB (Singapore) và một ngân hàng của Malaysia từng ngỏ ý mua lại 100% vốn ngân hàng GPBank là ví dụ điển hình.

Mặc dù thương vụ mua lại ngân hàng yếu trên không thành, song điều này không có nghĩa là các ngân hàng trong khu vực không quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Lý giải với phóng viên Báo Đầu tư, ông Keith Pogson, phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng của Tập đoàn Ernst & Young khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN sẽ cân nhắc khi đầu tư vào ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Lý do là, cuối năm 2015, AEC được hình thành và có thể đến năm 2020, các ngân hàng trong khu vực sẽ được phép thành lập tự do tại Việt Nam. Như vậy, các nhà đầu tư sẽ xem xét việc có nên mua một ngân hàng yếu kém rồi mất ít nhất 3 - 4 năm không có lãi, tốn nhiều công sức để xử lý hay là chờ đợi, bởi thời điểm 2020 không còn xa”.

Liên quan vấn đề này, TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia kinh tế cũng cho biết, AEC đã hướng tới mục tiêu hội nhập ngành ngân hàng nội khối vào năm 2020, tạo ra một hệ thống ngân hàng mở cho phép các ngân hàng ASEAN được hoạt động một cách bình đẳng với ngân hàng sở tại của bất kỳ  thành viên nào trong khối.

Trên thực tế, không chỉ các ngân hàng trong khu vực ASEAN, mà nhiều ngân hàng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… cũng đang “ném đá dò đường” tìm hiểu thị trường Việt Nam, sẵn sàng đón đầu cơ hội mới từ AEC, TPP...

Việc tăng cường hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển. Tuy nhiên, việc này cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Hiện nay, khối doanh nghiệp FDI nắm tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, các khách hàng béo bở này gần như nằm trọn trong tay ngân hàng ngoại. Không chỉ có thế, khối ngân hàng ngoại còn nhắm tới cả khối doanh nghiệp trong nước. Đây thực sự là thách thức lớn đối với ngân hàng trong nước.

Trong Đề án Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đã đưa ra mục tiêu hướng tới xây dựng 1 - 2 ngân hàng có quy mô ngang tầm khu vực. Song hiện quy mô của các ngân hàng lớn của Việt Nam vẫn còn thua xa so với các ngân hàng lớn trong khu vực. Vì vậy, để có thể cạnh tranh, xứng tầm khu vực, giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là các ngân hàng phải có kế hoạch mua bán, sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động.

Thùy Liên
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục