Trên các cánh đồng có truyền thống trồng kiệu lâu đời thuộc thị trấn Sóc Sơn, các xã Mỹ Thuận, Mỹ Thái, Mỹ Hiệp Sơn… không khí trồng kiệu khá nhộn nhịp. Những người trồng kiệu thường mang theo mỗi người một chiếc dù để tránh nắng trong thời gian làm việc trên đồng, nhất là vào lúc buổi trưa. Điều này gây tò mò, thích thú cho không ít người lần đầu được thấy cảnh này.
Huyện Hòn Đất là địa phương có phong trào trồng kiệu phục vụ Tết Nguyên đán lâu đời nhất tỉnh Kiên Giang. Năm nào cũng vậy, khi mùa nước nổi bắt đầu rút cũng là lúc nhiều hộ nông dân của huyện tất bật chuẩn bị lên bờ liếp, chuẩn bị trồng kiệu. Toàn huyện có khoảng 50 ha kiệu đã trồng. Kiệu là loại nông sản dễ trồng, giá trị kinh tế cao hơn khá nhiều so với trồng lúa. Sản phẩm kiệu được ưa chuộng trong dịp Tết, nên bà con nông dân của huyện khá mạnh dạn đầu tư.
Thông thường, chi phí trồng 1 công kiệu khoảng 20 triệu đồng, gồm tiền giống, cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật và tiền nhân công. Một công kiệu cho thu hoạch khoảng 3,5-4 tấn, giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg, nông dân thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Nếu kiệu phát triển tốt thì từ 3-4 tháng là có thể thu hoạch.
Người trồng kiệu một tay dùng dao nhọn xới lỗ đất, tay kia cho kiệu giống xuống. Động tác này được người trồng thực hiện rất nhanh, trông khá bắt mắt.
Kiệu giống được chọn kỹ lưỡng để đảm bảo một mùa kiệu thành công. Giống kiệu tốt phải to gốc, không ẩm mốc hoặc thối hỏng.
Chủ vườn kiệu mua rơm khô từ khắp nơi trong tỉnh Kiên Giang. Sau khi xuống giống kiệu, rơm khô được phủ lên các luống một lớp mỏng. Theo các chủ vườn kiệu, việc này giúp giữ ẩm cho đất, tạo mùn, giúp ít cho quá trình sinh trưởng của kiệu.
Những người phụ nữ rải rơm khô phủ kín các liếp kiệu đã xuống giống. Công đoạn này mất khá nhiều thời gian.
Chị Bé Năm tham gia trồng kiệu trên một cách đồng xã Mỹ Thái. Chị năm nay 46 tuổi, thường làm thuê cho các chủ vườn kiệu mùa Tết. Chị Năm làm việc từ khoảng 6h sáng đến 13h trưa. Với khoảng thời gian này, tiền công chị được trả 130 nghìn đồng. Đây cũng là giá nhân công trồng kiệu được áp dụng khá đại trà tại huyện Hòn Đất.
Người tham gia nghề trồng kiệu ở Hòn Đất chủ yếu là phụ nữ tuổi trung niên. Công việc của họ khá cực nhọc vì thời gian làm việc kéo dài liên tục khoảng 8h trên cánh đồng, dưới trời nắng gay gắt.
Những người phụ nữ ăn cơm trên đồng kiệu. Thông thường, người trồng kiệu tự ăn cơm ở nhà trước khi đến làm việc vào mỗi sáng. Tuy nhiên, họ đều có mang theo 1 phần cơm để ăn vào khoảng hơn 11h trưa, ăn ngay trên đồng. Sau đó, họ làm việc thêm khoảng 2 giờ nữa thì về.
Một bữa cơm đạm bạc được dọn ra ngay trên luống trồng kiệu.
Các chủ vườn kiệu có thói quen xuống giống đồng loạt cho mỗi vụ. Vì thế, họ huy động, thuê… hàng chục người cho mỗi buổi trồng kiệu. Nhiều người trồng kiệu cho biết trước đây họ không biết che dù để trồng kiệu như bây giờ. Họ nói rằng những năm gần đây, nhiều người trồng kiệu tự bảo nhau và đưa ra "sáng kiến" này. Quả thật, việc che dù trồng kiệu giúp họ đỡ mất sức dưới trời nắng gay gắt.