
Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Sacombank cho biết, hàng năm việc trả cổ tức của doanh nghiệp thường chậm trễ, kéo dài từ năm này sang năm sau. Thậm chí, đợt 1/2007 nhưng đến nửa cuối năm 2008 mới trả. Vậy nhưng, cho dù năm 2008 chưa kết thúc, nhiều doanh nghiệp đã trả cổ tức đợt 2. Chẳng hạn, ABT trả 30% (đợt 1: 15%), SCJ trả 25% (đợt 1: 15%); ACB trả 25% (đợt 1: 10%)…
Trong bối cảnh thị trường suy giảm, việc trả cổ tức bằng tiền mặt là rất quý đối với nhà đầu tư, nhưng cũng khiến họ lo lắng. Liệu lãnh đạo doanh nghiệp (chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc), những cổ đông lớn vì lợi ích của mình (nắm lượng cổ phiếu lớn) mà ra quyết định chi trả cổ tức một cách vội vã (né thuế). Năm 2008 là năm làm ăn khó khăn, nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao và sớm hơn thông lệ là điều không bình thường. Theo cách làm "truyền thống", số lợi nhuận làm ra, sau khi trích lập các khoản dự phòng, nộp vào các quỹ, doanh nghiệp sẽ tính toán để lại một phần làm vốn sản xuất - kinh doanh cho năm sau, còn lại chi trả cổ tức. Với cách làm hiện nay, sang năm 2009, không ít doanh nghiệp sẽ đứng trước khó khăn: bị thiếu vốn lưu động và phải vay ngân hàng. Nếu lãi suất ngân hàng cao, doanh nghiệp có thể tiếp tục phát hành cổ phiếu huy động vốn được hay không? Tương lai của doanh nghiệp đi về đâu, nếu thiếu tiền để hoạt động?
"Cùng với việc trả cổ tức cao và sớm như hiện nay, các doanh nghiệp cần đưa ra thông điệp cụ thể để nhà đầu tư yên tâm. Bởi nếu không, nó cũng giống như việc bán ra cổ phiếu của các thành viên HĐQT. Nhà đầu tư có quyền đặt vấn đề: thay vì chạy theo ngắn hạn, lãnh đạo doanh nghiệp nên ưu tiên phát triển bền vững và có tầm nhìn xa hơn", giám đốc một CTCK có địa chỉ tại Hà Nội cho biết.