Theo Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E, đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), trong ba tháng đầu năm hệ thống camera ghi nhận 6 trường hợp đi ngược chiều, 12 xe dừng đỗ sai quy định và 8 xe đi lùi trên đường cao tốc.
"Ngoài biện pháp xử lý của VEC E là cấm lưu thông vào cao tốc, chỉ phục vụ khi chủ phương tiện có văn bản cam kết không tái phạm, hàng tuần chúng tôi đều gửi hình ảnh vi phạm qua Cục CSGT phối hợp xử lý", bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc VEC E, nói.
Đơn vị quản lý cũng đặc biệt lưu ý một số trường hợp xe cứu thương đã không tuân thủ quy định gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
2h ngày 24/3, xe cấp cứu của TP HCM không làm chủ tốc độ và khoảng cách an toàn đã đâm vào đuôi ôtô tải chạy trước làm một người bị thương. Trước đó, hai tai nạn khác cũng xảy ra trên cao tốc TP HCM - Long Thành do xe cứu thương vượt xe khác tại làn dừng khẩn cấp khiến một người chết, 3 người bị thương.
Theo bà Phương, thời gian qua VEC E đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố hình ảnh xe vi phạm... trên báo chí nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
"Ngoài cách từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm, chúng tôi không có biện pháp chế tài nào khác", bà Phương cho hay.
Đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng (giai đoạn 1). Công trình được khánh thành toàn tuyến vào đầu năm 2015 giúp rút ngắn đường từ TP HCM về Vũng Tàu rất nhiều so với trước đây. Trung bình mỗi ngày có khoảng 40.000 lượt ôtô đi qua cao tốc này.