Công ty cổ phần Trung Đô là đơn vị được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hạng I thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancopr).
Tiền thân là Công ty Kiến trúc Vinh, được thành lập ngày 31/8/1958, trong quá trình hoạt động, Công ty đã 10 lần bổ sung ngành nghề kinh doanh, tăng vốn điều lệ. Doanh nghiệp này cũng đã trải qua 5 lần đổi tên, ba lần đổi dạng.
Công ty chính thức trở thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 13 tỷ đồng vào ngày 22/2/2006. Đến ngày 16/5/2008 thì chuyển thành Công ty cổ phần Trung Đô.
Trụ sở chính của Công ty đặt tai TP. Vinh, tỉnh Nghệ An và hiện có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty có 8 đơn vị trực thuộc gồm: Nhà máy Granite Trung Đô; Xí nghiệp Trung Đô Nam Giang; Xí nghiệp Trung Đô Hoàng Mai; Xí nghiệp Trung Đô Hồng Lĩnh; Xí nghiệp Trung Đô 1; Xí nghiệp Trung Đô 7, Trung tâm Tư vấn Trung Đô và Nhà máy Trung Đô Hà Tĩnh.
Lĩnh vực kinh doanh chính của Trung Đô là xây lắp các công trình kỹ thuật dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình điện có quy mô lớn và vừa; sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên cuối tháng 5/2019, Công ty cổ phần Trung Đô đã thông qua phương án niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên sàn HOSE hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Theo thông tin từ Trung Đô, Công ty chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD vào ngày 16/1/2020.
Trước đó, ngày 17/12/2019, Công ty đã ra nghị quyết thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Về kết quả kinh doanh, quý III/2019, Công ty ghi nhận doanh thu 147,2 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 19,8 tỷ đồng, tăng 8,8%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, Trung Đô đạt doanh thu hơn 436,4 tỷ đồng, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 53,81 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, Trung Đô mới chỉ hoàn thành 62,3% kế hoạch doanh thu đề ra cho năm 2019.
Theo kế hoạch mà Trung Đô đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 5/2019, Công ty sẽ đầu tư vào các dự án như Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô và dự án chung cư N03-T6 Ngoại giao đoàn và doanh nghiệp này cần một số vốn rất lớn.
Do đó, Trung Đô dự kiến tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh mà không chịu áp lực quá lớn về trả nợ vay.
Tuy nhiên, đến hiện tại, Công ty vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu này.
Trong khi đó, mặc dù đã rục rịch chuyện niêm yết từ một năm nay, nhưng Công ty cổ phần Trung Đô vẫn tiến hành các thủ tục lên sàn một cách chậm chạp.
Nội bộ công ty này cũng diễn ra nhiều hoạt động mua bán cổ phiếu lòng vòng.
Trung Đô cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của năm 2020 nhận trát phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do lỗi vi phạm không chịu đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán đã kéo dài suốt nhiều năm qua, tạo “đất” cho nhiều hoạt động không minh bạch của doanh nghiệp, gây nên những hệ lụy cho cả nhà đầu tư lẫn cổ đông nhà nước.
Theo con số công khai của Bộ Tài chính vào cuối năm 2019, hiện cả nước còn khoảng hơn 700 doanh nghiệp hậu cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, dù trong số đó phân nửa không đủ điều kiện là công ty đại chúng.
Đáng nói, một số doanh nghiệp đã bị xử phạt nặng nhưng vẫn chây ì, không chịu niêm yết.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đủ điều kiện là công ty đại chúng nhưng cố tình chây ì lên sàn kéo dài, trong năm 2020, Ủy ban sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, phê bình, xem xét kỷ luật đối với người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình không chấp hành, trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn.