Hàn Quốc tiếp tục giữ vững danh hiệu là quốc gia đứng đầu về chỉ số sáng tạo, theo sau là Đức. Những nỗ lực cải cách trong nghiên cứu và giáo dục đã giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiến gần sát Hàn Quốc trong bảng xếp hạng.
Chỉ số sáng tạo là chỉ số mà Bloomberg đánh giá xếp hạng các nền kinh tế thế giới bằng việc sử dụng các số liệu như chi tiêu cho R&D, sự tập trung của các công ty công nghệ cao…
Tại Hàn Quốc, các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai đã có điểm xếp hạng cao trong một số lĩnh vực hoạt động sáng chế, giáo dục đại học, sản xuất giá trị gia tăng và một số lĩnh vực khác để duy trì vị thế của mình.
Các nước Bắc Âu cũng đang dần tìm được một chỗ đứng trong Top 5 bảng xếp hạng. Trong đó, Thụy Điển từ vị trí số 5 năm 2018 đã vươn lên vị trí số 4, còn Phần Lan có bước đột phá khi chiếm vị trí số 3 với việc tăng đột biến các công ty công nghệ cao.
Tại một cuộc trao đổi thông tin gần đây với Ban soạn thảo Dự thảo Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghệ 4.0 đến năm 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, TS. Park Seung Chang, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà khoa học công nghệ thông tin đạo đức của Hàn Quốc cho biết, năm 2018, Chính phủ nước này đã ban hành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2019 - 2023; trong đó, quyết định đầu tư 2.200 tỷ won để tăng cường hoạt động R&D trong AI.
Kế hoạch được chia thành 3 nội dung chính.
Đầu tiên là đảm bảo nguồn nhân lực (nhân tài) AI. Chính phủ sẽ thành lập 6 trường sau đại học về AI vào năm 2022 với mục tiêu đào tạo 5.000 chuyên gia AI (1.400 nhà nghiên cứu AI và 3.600 chuyên gia quản lý dữ liệu). Chính phủ Hàn Quốc cũng ban hành một sáng kiến đào tạo 600 người về AI để giải quyết các nhu cầu ngắn hạn trước mắt về AI.
Hai là tập trung phát triển công nghệ AI. Chính phủ sẽ tài trợ cho các dự án quy mô lớn về quốc phòng, y tế và an toàn công cộng.
Ba là, Chính phủ sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ.
“Hàn Quốc đặt mục tiêu xếp hạng trong khoảng 5 - 10 trong Bảng xếp hạng thương mại toàn cầu năm 2030. Văn hóa và truyền thống ITC của Hàn Quốc sẽ đi vào cuộc sống trên toàn thế giới”, ông Park Seung Chang nói về tham vọng của người Hàn.
TS. Park Seung Chang cũng đề cập đến mô hình Chính phủ 3.0 của Hàn Quốc như một kinh nghiệm cho Việt Nam. Đây là một mô hình mới cho hoạt động của Chính phủ nhằm thúc đẩy chia sẻ một cách tích cực các thông tin công cộng và loại bỏ các rào cản hiện có giữa các cơ quan của chính phủ để hợp tác tốt hơn.
Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển E-Gov qua 6 giai đoạn: khởi động, xây dựng nền tảng, đi vào vận hành, nhân rộng mô hình, phát triển theo quỹ đạo chung và chính phủ 3.0.
Từ giữa những năm 1980 - 1990, Hàn Quốc đã xây dựng 5 hệ thống thông tin cơ bản quốc gia, xây dựng mạng lưới máy tính mở rộng và thúc đẩy việc sử dụng vào năm 1987.
Trong giai đoạn tiếp theo, từ giữa những năm 1990 - 2000, Hàn Quốc đã xây dựng cơ sở hạ tầng cho truyền thông thông tin tốc độ cao và ban hành đạo luật khung về xúc tiến thông tin vào năm 1995.
Trong giai đoạn 3 (2001 - 2002) Chính phủ sau đó đã đưa ra 11 sáng kiến lớn cho E-Gov, ban hành đạo luật Chính phủ điện tử năm 2001.
Từ năm 2003 - 2007, thực hiện 31 dự án lộ trình, đặt nền móng cho liên kết và tích hợp nhiều cơ quan Chính phủ.
Từ năm 2008, tập trung vào thiết lập Kế hoạch tổng thể về tin học quốc gia và thực hiện 12 nhiệm vụ dựa trên nguyên tắc mở cửa, chia sẻ và hợp tác.
Gần đây, Hàn Quốc có chính sách Tân phương Nam, thúc đẩy giao lưu trao đổi kỹ thuật. Bởi vậy, thúc đẩy các hoạt động R&D và chuyển giao công nghệ chắc chắn sẽ có sự hiện diện nhiều hơn không chỉ ở quy mô các doanh nghiệp, mà ở các tổ chức hiệp hội và cấp chính phủ.
TS. Chang Whan Ma, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KOITA), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Thông tin truyền thông Hàn Quốc đã dẫn lại những con số để thấy cuộc chạy đua về sáng tạo và công nghệ sẽ còn nóng bỏng trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, cũng như khó khăn về thương mại và kinh tế toàn cầu gia tăng.
Theo đó, vào những năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ đạt vỏn vẹn 65 USD, nhưng đến năm 2018 đã đạt 31.000 USD. Trước đây, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu khoáng sản, nay sức mạnh kinh tế của họ đến từ các ngành công nghiệp như ô tô, đóng tàu, máy tính, các sản phẩm chế tạo…