“Chạy” dự án, tiền mất tật mang

(ĐTCK) Với miếng “mồi hơi” là nguồn vốn phi chính phủ và dự án nghìn tỷ, các đối tượng đã khiến nhiều DN và cả lãnh đạo chính quyền địa phương “mắc câu”.
“Chạy” dự án, tiền mất tật mang

 

TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hiền (SN 1956, trú tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng vụ án, từ cuối năm 2009, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Minh Nam (có trụ sở ở phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội), Hiền đã đi “chào hàng” với nhiều đơn vị về nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Nhiều đơn vị đã tin tưởng Hiền và sẵn sàng chi tiền cho Hiền để “chạy” vốn đầu tư

Đơn cử, ông Ngô Sách Viện, Chủ tịch UBND một xã thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã tìm đến Nguyễn Thị Hiền và được Hiền quảng cáo CTCP Minh Nam đang có nguồn tiền từ một số tổ chức phi chính phủ, hiện đang tích cực giải ngân cho một số địa phương khó khăn để xây dựng trường học, trạm y tế. Để vị chủ tịch xã này tin tưởng, Hiền đưa ra nhiều bộ hồ sơ dự án, công văn của nhiều địa phương đang chờ Hiền xin tài trợ.

Khi đó, do xã đã được phê duyệt dự án xây dựng một trường mầm non, nhưng thiếu kinh phí nên chưa xây dựng xong, ông Viện đã nhờ Hiền giúp đỡ. Hiền hứa hẹn sẽ nhanh chóng bố trí 1,5 tỷ đồng cho xã ông Viện, nhưng để có được số tiền ấy, ông Viện phải thuê Hiền làm hồ sơ “xin tiền” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với tiền công là 65 triệu đồng. Sau khi thương lượng, tỏ ra thông cảm với sự khó khăn của xã, Hiền giảm giá xuống 50 triệu đồng và hứa chậm nhất đến cuối quý I/2010 sẽ được bố trí vốn. Chờ mãi không thấy tiền về, ông Viện mới biết bị lừa và tố cáo đến cơ quan công an.

“Chạy” dự án, tiền mất tật mang ảnh 1

D án Cng hàng không Quc tế Phú Quc tng trthành mi nh ca k la đo vi 4 DN

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ công ty của Hiền không có chức năng khai thác và kinh doanh tài chính. Trên thực tế, doanh nghiệp này chỉ chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và buôn bán máy móc. Nhưng vì muốn kiếm tiền nhanh, Hiền đi khắp nơi rêu rao mình có khả năng huy động và phân bổ tài chính cho những địa phương khó khăn. Khi có người nhờ vả, đối tượng lập tức yêu cầu họ ký kết hợp đồng thuê viết dự án cần xin tiền với chi phí “cắt cổ”. Ngoài trường hợp ông Viện, 10 cá nhân, tổ chức khác cũng bị Hiền lừa với chiêu thức trên.

Để các bị hại tin là có nguồn tiền thật, từ đó mạnh tay chi phí “bôi trơn”, Hiền lấy thông tin các dự án, rồi thuê người viết. Xong xuôi, đối tượng nói với các bị hại là đã giao cho “đối tác” bản dự án bằng tiếng Anh và cần phải có thời gian chờ phê duyệt. Khi khám xét, cơ quan điều tra thu giữ các hồ sơ năng lực của 41 doanh nghiệp.

Tổng cộng từ năm 2009 đến cuối năm 2011, Nguyễn Thị Hiền đã chiếm đoạt của 11 cá nhân, tổ chức số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Với hành vi này, Nguyễn Thị Hiền đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 14 năm tù giam.

Đây là một trong số rất nhiều vụ án xảy ra từ việc chạy dự án, chạy kinh phí. Chẳng hạn như vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó bị cáo hứa hẹn “chạy” thầu cho các chủ doanh nghiệp tham gia vào phần san lấp mặt bằng Dự án Sân bay quốc tế Phú Quốc thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.

Hai bị cáo Nguyễn Huy Vui, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Quang Tấn và Nguyễn Việt Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Việt Mỹ dù không có vị trí gì trong đơn vị chủ đầu tư cũng như đơn vị thầu dự án, không có thư mời thầu, không có hồ sơ mời thầu, nhưng đã lừa được 4 doanh nhân đưa 11,7 tỷ đồng để “chạy” thầu. Trong khi, trước đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình hàng không đã trúng thầu và đến đầu năm 2010 cơ bản hoàn thành gói thầu.

Hay trường hợp hai đối tượng Ngụy Như Công, Lê Sỹ Lâm lừa nhóm 3 DN “chạy” Dự án nạo vét kè sông Đáy với mức phí bằng 4% tổng giá trị Dự án (4.300 tỷ đồng), tương đương với 172 tỷ đồng. Nhóm DN đã giao hồ sơ dự thầu và sau đó được hai bị cáo cho xem các văn bản photo như Quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc liên doanh Công ty Sông Đà Bình Phước và CTCP Đầu tư và Phát triển Vĩnh Sơn là tổng thầu nâng cấp và cải tạo sông Đáy, thông báo vốn của Bộ Tài chính và tờ trình của UBND TP. Hà Nội về việc xin Chính phủ cho phép thực hiện dự án nói trên, kèm theo phúc đáp của Chính phủ đồng ý giao UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư. Sau đó, hai đối tượng này yêu cầu nhóm DN phải chi tiền mới giao văn bản trên.

Nhìn lại các vụ việc trên có thể thấy, dường như nhiều ông chủ DN Việt Nam có thói quen đi “cửa sau”, lợi dụng mối quan hệ, “chạy chọt” để nhận được dự án béo bở hoặc chạy nguồn kinh phí. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra viễn cảnh lợi nhuận khổng lồ khi được tiếp cận dự án lớn và đưa các ông chủ vào bẫy. Tình trạng này suy cho cùng cũng bắt nguồn từ sự kém minh bạch về thông tin các dự án, thông tin DN.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng (Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng), các DN cần cảnh giác với những hợp đồng lớn dễ dàng có được nhờ phần trăm chi phí chạy chọt, mà không bằng năng lực thực sự của DN. Bởi những hợp đồng béo bở này rất có thể là cái bẫy mà kẻ lừa đảo chăng ra, khiến DN vừa mất tiền oan lại vừa có nguy cơ phạm pháp.

>> Chiêu lừa đảo của nữ đại gia rởm

>> Giả người nhà “tướng”, lừa bán đất ảo

>> Bà chủ Ruby "tố" bị 2 đại gia lừa đảo

>> Lừa đảo để lấy tiền “chạy” dự án    

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục