Chạy chọt, tiền mất tật vẫn mang

(ĐTCK) Trong thực tế kinh doanh, không ít DN, cơ sở sản xuất đã sử dụng các trung gian liên quan đến dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã bị lợi dụng, lừa đảo.
Nhiều vụ “chạy chọt” liên quan đến dự án bất động sản, xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Nhiều vụ “chạy chọt” liên quan đến dự án bất động sản, xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thậm chí, khi có nguy cơ bị xử lý hình sự, các đối tượng cũng tìm cách chạy chọt. Mới đây nhất là vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có liên quan đến việc sản xuất hàng giả vừa được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử.

Nội tình vụ việc như sau, ngày 20/11/2013, tổ công tác của Phòng An ninh kinh tế - Công an Hà Nội và Đội quản lý thị trường số 30 - Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra việc sản xuất hàng hóa tại xưởng sản xuất giày da Cao Trường Sơn tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện xưởng này sản xuất giày da, làm giả sản phẩm của CTCP 26, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng.

Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ sản phẩm và dụng cụ sản xuất gồm 1.018 đôi giày da sĩ quan giả có nhãn mác “Tổng cục Hậu cần - Cục Quân nhu - CTCP 26 - 2013”, lót giày, đế giày, các dụng cụ khác… Đồng thời, chuyển toàn bộ hiện vật bị thu giữ đến cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền.

CTCP 26 khẳng định, toàn bộ số tang vật trên là hàng làm giả sản phẩm giày da sĩ quan quân đội của công ty này sản xuất. Trước khi việc sản xuất hàng giải bị phát hiện, Lưu Văn Mậu (đối tượng tổ chức thực hiện việc sản xuất hàng giả) đã tiêu thụ được 1.000 đôi giày.

Sau khi sự việc bị phát hiện, biết việc sản xuất hàng giả là vi phạm pháp luật và với khối lượng lớn sản phẩm làm giả (hơn 1 tỷ đồng) sẽ bị xử lý hình sự nên Lưu Văn Mậu tìm người lo “chạy án”. Mậu đã nhờ vả anh Vũ Mạnh Tuân, là người họ hàng, lái xe của Học viện Quốc tế - Bộ Công an để anh Tuân tìm người giúp.

Trước đó, anh Tuân có quen biết với Lê Văn Long (SN 1974, trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Nhiều lần nói chuyện, Long thường khoe quen biết với nhiều cán bộ trong ngành công an, bởi vậy anh Tuân đã liên hệ nhờ Long “chạy” để lấy lại số hàng bị tạm giữ và xin cho Lưu Văn Mậu không bị xử lý hình sự. Long nhận lời chạy án cho Lưu Văn Mậu và sau đó đã gặp Tôn Thất Thành Nghiệp (SN 1961, trú tại Nha Trang, Khánh Hòa) nhờ Nghiệp giúp.

Lê Văn Long chốt với Lưu Văn Mậu mức phí là 30.000 USD, nhưng Mậu thấy quá lớn nên thương lượng để giảm xuống còn 300.000 triệu đồng. Mậu đã 3 lần giao đủ số tiền nói trên cho Long. Dù vậy, đến Tết Nguyên đán năm 2014, Lưu Văn Mậu vẫn bị triệu tập đến trụ sở Công an TP. Hà Nội tại 40B, Hàng Bài (Hà Nội) để làm việc về sản xuất giày da giả. Thấy tiền bỏ ra mà không được việc, Lưu Văn Mậu quay lại chất vấn Lê Văn Long và đòi tiền.

Lê Văn Long khẳng định đã chi hết tiền cho Công an và Quản lý thị trường để giúp Mậu lấy lại số hàng bị tạm giữ cũng như không bị xử lý hình sự và bảo Mậu phải chi thêm để đi cảm ơn. Khi đang nhận nốt số tiền yêu cầu chi thêm thì Long và Nghiệp bị bắt.

Đối tượng Lưu Văn Mậu cũng không tránh khỏi việc bị xử lý hình sự và đã bị Tòa án tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam.

Theo Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tình trạng DN, cơ sở sản xuất tìm cách chạy chọt quan hệ, nhờ cò, nhờ dịch vụ để giải quyết vướng mắc trong hoạt động kinh doanh khá phổ biến. Việc này có thể đơn giản là nhờ dịch vụ thực hiện thay các thủ tục hành chính như dịch vụ đăng ký kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh, dịch vụ tư vấn thuế, hải quan.

Phức tạp hơn nữa là các thủ tục liên quan dự án, xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, khi có nguy cơ bị xử lý hình sự, các đối tượng cũng tìm cách chạy chọt. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp bị các đối tượng lừa đảo, nhận tiền nhưng không giải quyết được.

Không chỉ thế, việc chạy chọt, bỏ chi phí “bôi trơn” dễ dẫn đến sai phạm bởi chi phí này không được hạch toán, không được cơ quan thuế chấp nhận như là một khoản chi phí được khấu trừ.

Như vậy, DN làm sao giải quyết khoản chi phí này để nó được công nhận hợp pháp? Có nhiều biện pháp đã được áp dụng, trong đó cơ bản là kê khai tăng các chi phí đầu vào hợp pháp khác để “cõng” thêm  khoản phí bôi trơn này.

Không thiếu ví dụ về việc kê khai tăng chi phí cũng như hậu quả mà DN và cá nhân phải gánh chịu. Chẳng hạn, trường hợp Dự án Petromaning, khi mua đất làm dự án, tổng giá trị khu đất là hơn 58 tỷ đồng nhưng lãnh đạo của Công ty Petromaning kê khống giá mua đất thành 85 tỷ đồng.

Phần lớn số tiền này được sử dụng vào việc thuế thiết kế dự án, chạy giấy phép, chạy sổ đỏ… Tất nhiên, khi bị phát hiện, lãnh đạo DN này đã bị truy tố, điều tra, bắt giam…        

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục