Châu Âu tìm kiếm sự đồng thuận cho Quỹ Phục hồi kinh tế

EC vừa đề xuất ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021-2027, với số tiền lên đến 1.100 tỷ euro cùng với Quỹ Phục hồi kinh tế châu Âu 750 tỷ euro nhằm giúp các nền kinh tế EU vượt qua cuộc khủng hoảng.
Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: THX/TTXVN). Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: THX/TTXVN).

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2021-2027, với số tiền lên đến 1.100 tỷ euro (khoảng 1.212 tỷ USD) cùng với Quỹ Phục hồi kinh tế châu Âu 750 tỷ euro (khoảng 826 tỷ USD) nhằm giúp các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Trong ngân quỹ 750 tỷ euro của Quỹ Phục hồi kinh tế châu Âu có 500 tỷ euro (khoảng 551 tỷ USD) dành cho tài trợ và 250 tỷ euro (khoảng 275 tỷ USD) là để cho vay.

Số tiền 500 tỷ euro sẽ được EC huy động trên thị trường, sau đó sẽ chuyển thông qua ngân sách châu Âu cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.

Để hưởng lợi từ chương trình, các nước sẽ phải xây dựng một kế hoạch đầu tư và cải cách phù hợp với những ưu tiên chính trị của EC.

Đây là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử bởi EC chưa từng đề xuất vấn đề nợ chung quy mô lớn như vậy ở châu Âu, trong bối cảnh một số nước như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy đã tìm mọi cách để biến đề xuất thành hiện thực, trong khi "Bộ tứ tằn tiện" gồm Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch không che giấu sự dè dặt.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng Quỹ phục hồi kinh tế châu Âu là "một tín hiệu tuyệt vời từ Brussels."

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "phải nhanh chóng xúc tiến kế hoạch phục hồi EU trị giá 750 tỷ euro với các đối tác châu Âu của chúng ta."

Còn Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đề xuất của EU sẽ là một nền tảng cơ bản cho các cuộc đàm phán tiếp theo. 

Trong khi đó, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng Quỹ Phục hồi kinh tế châu Âu sẽ giúp các nền kinh tế quốc gia trở lại đúng hướng, song nhấn mạnh: "Thật ngạc nhiên khi EC đề nghị hơn 500 tỷ euro dưới dạng các khoản hỗ trợ mà không hề kèm theo yêu cầu gì.

Thụy Điển muốn quỹ của EU tập trung vào các khoản cho vay và với điều kiện phải chứng minh được rằng số tiền đó được sử dụng hiệu quả."

Phản ứng thận trọng hơn, Thủ tướng Áo Sebastiean Kurz nói thêm các khoản chi cho quỹ tái thiết cần được giới hạn về mặt thời gian và phải đảm bảo rằng không dẫn tới một "liên minh nợ vĩnh viễn."

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã kêu gọi các thành viên EU "gạt ra các định kiến của mình" và ủng hộ chiến lược phục hồi chung. Bà Ursula von der Leyen sẽ phải tìm ra được một sự thỏa hiệp giữa ý tưởng chia sẻ nợ trên bình diện châu Âu do Pháp và Đức khởi xướng, và lập trường của "Bộ tứ tằn tiện" chỉ muốn cho vay đơn thuần.

Bốn quốc gia này cho rằng "tất cả tiền vay phải do các nước được thụ hưởng trả" và khẳng định sẽ không chấp nhận gánh vác nợ nần của các nước thành viên khác.

Đề xuất của EC cần có sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU để được thực thi.

Pháp hy vọng EU sẽ đạt thỏa thuận vào đầu tháng Bảy tới dù các cuộc đàm phán với "Bộ tứ tằn tiện" được dự báo sẽ không dễ dàng.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục