Châu Âu nhập khẩu lượng phân bón kỷ lục từ Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành phân bón giá rẻ của Nga có nguy cơ khiến các nhà sản xuất phân bón châu Âu phá sản hoặc rời khỏi khu vực và gây rủi ro cho vấn đề an ninh lương thực về lâu dài.
Châu Âu nhập khẩu lượng phân bón kỷ lục từ Nga

Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga vào EU đã chậm lại đáng kể hậu xung đột Nga-Ukraine và các nước châu Âu đã chuyển sang các nguồn cung cấp khác. Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục sử dụng khí đốt của mình để sản xuất và xuất khẩu loại phân bón gốc nitơ giá rẻ sang châu Âu.

Đối với một số loại phân bón, chẳng hạn như ure, nhập khẩu từ Nga thậm chí còn tăng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm 2022. Phân bón giá rẻ đã giúp ích cho nông dân châu Âu, nhưng các nhà sản xuất phân bón của chính khu vực này lại đang phải chật vật để cạnh tranh.

Petr Cingr, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất amoniac lớn nhất của Đức SKW Stickstoffwerke Piesteritz cho biết: “Chúng tôi hiện đang tràn ngập phân bón từ Nga, loại phân bón rẻ hơn đáng kể so với phân bón của chúng tôi, vì lý do đơn giản là họ trả tiền mua khí đốt tự nhiên thấp hơn so với các nhà sản xuất châu Âu như chúng tôi… Nếu các chính trị gia không hành động, năng lực sản xuất của châu Âu sẽ biến mất”.

Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành của Yara International, một trong những nhà sản xuất phân khoáng gốc nitơ lớn nhất thế giới cho biết, châu Âu đang “mộng du” và phụ thuộc vào phân bón của Nga.

Tim Benton, chuyên gia an ninh lương thực tại Chatham House cho biết, các nhà sản xuất châu Âu từ lâu đã phàn nàn về lợi thế mà các đối tác Nga của họ có được nhờ giá khí đốt tự nhiên rẻ hơn.

Ông cho biết, khi thế giới ngày càng “cạnh tranh và xung đột”, trọng tâm của châu Âu có thể cần phải chuyển từ hiệu quả thị trường sang “an ninh nguồn cung”.

Điều này đặt ra câu hỏi: “Nguy cơ đối với an ninh lương thực của chúng ta là gì? Và chúng ta có nên trả phí bảo hiểm rủi ro bằng cách khuyến khích ngành công nghiệp địa phương sống sót qua những giai đoạn mà họ không có khả năng cạnh tranh toàn cầu không?”, ông Tim Benton cho biết.

Ông cho biết thêm, không phải vô lý khi cho rằng ngành nông nghiệp của Anh và châu Âu có thể gặp tổn hại nếu lục địa này trở nên phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Nga và các đối thủ tiềm năng khác.

Dữ liệu của Eurostat cho thấy, 1/3 lượng ure nhập khẩu của EU - phân bón gốc nitơ rẻ nhất - là đến từ Nga, với lượng nhập khẩu vào năm 2023 gần đạt mức kỷ lục. Theo dữ liệu hải quan, nhập khẩu ure của Ba Lan từ Nga đã tăng lên gần 120 triệu USD vào năm 2023, tăng từ mức hơn 84 triệu USD vào năm 2021.

Benjamin Lakatos, Giám đốc điều hành của MET Group - công ty năng lượng tại Thụy Sĩ - cho biết: “Những năm khủng hoảng đang đến với ngành phân bón châu Âu”.

Ông cho biết, với 70 - 80% chi phí hoạt động của một công ty phân bón đến từ khí đốt tự nhiên, ngành này sẽ bị ảnh hưởng nhanh hơn các lĩnh vực khác do chi phí khí đốt và năng lượng tăng cao.

Trong khi đó, một số tập đoàn sản xuất phân bón lớn khác đang rời khỏi thị trường châu Âu. Tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới BASF đã thu hẹp hoạt động tại châu Âu trong vài năm qua, bao gồm cả hoạt động kinh doanh phân bón, thay vào đó tập trung đầu tư mới vào Mỹ và Trung Quốc vì những thị trường này có chi phí sản xuất thấp hơn.

“Sớm hay muộn, tất cả mọi người, có lẽ hầu hết bao gồm cả chúng tôi sẽ có động thái tương tự”, ông Petr Cingr nói và cho biết, Công ty của ông đang đàm phán về phương án lắp đặt dây chuyền sản xuất amoniac ở Mỹ, để có thể “được cung cấp khí đốt tự nhiên rẻ hơn nhiều, điện rẻ hơn nhiều và chúng ta có thể được trợ cấp thông qua Đạo luật giảm lạm phát.

Chris Lawson, người đứng đầu bộ phận phân bón tại công ty tư vấn CRU cho biết, EU khó có thể đáp lại lời kêu gọi trừng phạt đối với phân bón từ Nga.

“Ký ức về giá phân bón cao vào năm 2022 và các mối đe dọa đối với an ninh lương thực vẫn còn đọng lại trong ký ức của các nhà hoạch định chính sách”, ông nói.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục