Trên các thị trường tài chính và tiền tệ, việc đa số cử tri Italy phản đối kế hoạch cải cách hiến pháp đã có những tác động rõ nét.
Trong phiên giao dịch ngày 5/12, tỷ giá đồng euro đã giảm tới 1,4% so với đồng USD, xuống còn 1 euro đổi 1,0503 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015 và chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có thời điểm suy giảm đáng kể.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cũng là một đòn giáng mạnh vào lòng tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Italy. Do Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 ở Khu vực đồng euro (Eurozone), nên điều này sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu, từ chính trị, kinh tế, cho đến địa-chính trị.
Một viễn cảnh kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italy được nâng lên. Các ngân hàng Italy, cũng như gánh nặng nợ công đang gia tăng của nước này, sẽ trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.
Không giống như Vương quốc Anh, Italy là 1 trong 6 thành viên sáng lập EU. Cộng đồng kinh tế châu Âu ban đầu cũng được thành lập thông qua Hiệp ước Rome, ký năm 1957. Trong khi Anh luôn thể hiện tư tưởng “hoài nghi châu Âu”, thì người dân Italy có truyền thống ủng hộ một khu vực thống nhất. Tuy nhiên, thái độ đối với châu Âu tại Italy đã có những thay đổi căn bản thời gian gần đây, bắt nguồn từ những trì trệ kinh tế đất nước, cuộc khủng hoảng đồng euro và nỗi lo sợ về tình trạng nhập cư bất hợp pháp.
Không thể phủ nhận sự kiện Brexit hồi giữa năm nay đã có tác động không nhỏ tới toàn bộ “lục địa già”, cũng như các thị trường toàn cầu, song sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Italy thể hiện sau cuộc trưng cầu dân ý có thể còn đe dọa EU lớn hơn cả Brexit.
Sự thật là Italy sử dụng đồng tiền chung châu Âu, trong khi Anh sử dụng đồng nội tệ riêng của mình (bảng Anh). Vì thế, Brexit xảy ra là nỗi đau đối với châu Âu, song nó chưa đến mức đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của Eurozone, hoặc rủi ro tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, chuỗi sự kiện từ sau cuộc trưng cầu tại Italy và tuyên bố từ chức của Thủ tướng Renzi có thể gây ra cả 2 điều này.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sản lượng công nghiệp của Italy đã giảm ít nhất 25%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ có lúc lên tới gần 40%. Thậm chí, một số nhà kinh tế cho rằng, chính đồng euro là tác nhân xấu cản trở sự cạnh tranh của Italy.
Sự đình trệ của hệ thống chính trị Italy sẽ khiến công cuộc cải cách kinh tế của nước này phát triển chậm lại, ít nhất cho đến năm 2018, và một số chuyên gia cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua sẽ tác động đến triển vọng kinh tế dài hạn của Italy, hơn là ngắn hạn.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Italy đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ euro và đang rất cần tái cấp vốn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ và có thể dẫn đến Chính phủ Italy phải ra tay giải cứu hệ thống ngân hàng, vốn là một nhiệm vụ nặng nề khi bản thân “đất nước hình chiếc ủng” đang phải gánh một khoản nợ công lớn.
Một khi những lo ngại về các khoản nợ nần của Italy lại xuất hiện, tâm lý giới đầu tư chắc chắn sẽ bất an hơn. Giải cứu Italy sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với Hy Lạp, bởi lẽ, với quy mô nền kinh tế như trên, số tiền cứu hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ “khủng” hơn rất nhiều.
Những tranh cãi trong lòng châu Âu có thể lại xuất hiện, đặc biệt là từ phía Đức. Trong kịch bản xấu nhất, “nút thắt” về sự tồn vong của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể lại một lần nữa trở thành một kịch bản gần hơn bao giờ hết.