Châu Á tăng tốc triển khai vắc xin AstraZeneca ngay cả khi niềm tin sụt giảm ở châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều quốc gia châu Á vẫn đang đẩy nhanh việc triển khai vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau các báo cáo vắc xin này có liên quan đến chứng đông máu hiếm gặp ở châu Âu vào đầu tháng này.
Châu Á tăng tốc triển khai vắc xin AstraZeneca ngay cả khi niềm tin sụt giảm ở châu Âu

Sau một thời gian ngắn ngừng sử dụng, nhiều quốc gia châu Âu đã tiếp tục sử dụng vắc xin AstraZeneca trong các chương trình tiêm chủng sau khi cơ quan quản lý cho biết vắc xin vẫn an toàn và một số nhà lãnh đạo các quốc gia cũng đang sử dụng vắc xin này để tạo dựng niềm tin.

AstraZeneca là một trong những loại vắc xin Covid-19 đầu tiên và rẻ nhất được phát triển, tung ra thị trường với số lượng lớn, được coi là mũi nhọn chính của các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.

Nhưng việc ngừng triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn đã làm dấy lên lo ngại rằng, việc chậm triển khai tiêm chủng có thể làm tổn hại đến cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, khi các ca nhiễm gia tăng ở một số quốc gia làm áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm tổn thương các nền kinh tế.

“Tôi vừa mới tiêm xong AstraZeneca, vết tiêm không bị đau và cơ thể không bị đau nhức”, người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) nói với các phóng viên khi Đài Loan khởi động chiến dịch tiêm chủng vào hôm thứ Hai (22/3).

Thủ tướng Thái Lan cũng là người đầu tiên trong nước được tiêm vắc xin AstraZeneca sau khi việc triển khai vắc xin hoạt động trở lại sau khi bị tạm dừng do lo ngại về tính an toàn.

Indonesia đã bắt đầu sử dụng vắc xin này vào thứ Hai (22/3) sau khi đình chỉ vào tuần trước. Nhưng cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia đã cảnh báo không nên sử dụng vắc xin cho những người bị rối loạn đông máu.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang có kế hoạch tiêm vắc xin vào thứ Ba (23/2) sau khi chính phủ Hàn Quốc cho biết vắc xin này có thể được sử dụng cho người lớn tuổi.

Cơ quan quản lý Cơ quan Dược phẩm Châu Âu hôm thứ Năm (18/3) cho biết loại vắc xin này có hiệu quả và không liên quan đến sự gia tăng nguy cơ đông máu nói chung.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát được công bố hôm thứ Hai (15/3) cho thấy người dân ở 7 quốc gia châu Âu có nhiều khả năng thấy vắc xin không an toàn hơn là an toàn.

Nhiều quốc gia châu Á đang phụ thuộc rất nhiều vào vắc xin AstraZeneca để chấm dứt đại dịch vì loại vắc xin này đang được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng ở Úc, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.

Tuy nhiên, một số quốc gia có thể phải đối mặt với các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục