Trong báo cáo Tài sản Toàn cầu 2017 vừa công bố, BCG cho biết năm ngoái, tài sản tài chính tư nhân toàn cầu đã tăng 5,3% lên hơn 166.500 tỷ USD.
Tốc độ này cao hơn năm ngoái, chủ yếu nhờ kinh tế tăng tốc và thị trường chứng khoán nhiều nơi trên khởi sắc. Số liệu được BCG tính toán bằng các tài sản hộ gia đình, như bảo hiểm nhân thọ, lương hưu, tiền mặt, cổ phiếu hay trái phiếu.
Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng tài sản lớn nhất thế giới, với 9,5% lên 38.400 tỷ USD. Dù vậy, nếu tính tổng, Bắc Mỹ vẫn đứng đầu với 55.700 tỷ USD. Xếp sau là Tây Âu với 40.500 tỷ USD.
Trong những năm tới, các trung tâm tài chính châu Á - Singapore và Hong Kong - được dự báo thu hút nhiều tiền từ nước ngoài hơn đối thủ châu Âu là Thụy Sĩ.
BCG cho rằng việc này sẽ giúp châu Á - Thái Bình Dương vượt Bắc Mỹ, thành khu vực giàu có nhất thế giới năm 2019.
"Tại châu Á - Thái Bình Dương, động lực chính là các khoản tiền tiết kiệm mới", BCG cho biết. Trong đó, Trung Quốc là nguồn tài sản lớn nhất của khu vực này, đóng góp gần 12 tỷ USD doanh thu cho các ngân hàng tư nhân.
Tài sản nước ngoài tại hai nền kinh tế này ước tính tăng lần lượt 8% và 7% mỗi năm cho đến 2021. Tốc độ này cao gấp đôi so với Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, tính về tổng tài sản, Thụy Sĩ vẫn giữ danh hiệu trung tâm quản lý tài sản nước ngoài của thế giới. Năm 2016, nước này nắm giữ 2.400 tỷ USD, cao hơn so với 1.200 tỷ USD tại Singapore và 800 tỷ USD tại Hong Kong, BCG cho biết.
"Hong Kong và Singapore sẽ vẫn là các điểm thu hút tài sản nước ngoài tăng mạnh nhất thế giới. Do vị thế của họ ngày càng cải thiện nhờ sức tăng trưởng mạnh của châu Á - Thái Bình Dương", báo cáo giải thích.
Dù vậy, việc Trung Quốc hạn chế phần nào dòng vốn rời khỏi nước này có thể sẽ làm giảm sức tăng trong ngắn hạn.