
Hôm thứ Ba (8/7), các nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết rằng sẽ cố gắng đàm phán với Mỹ để làm giảm tác động của mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump hiện đang có kế hoạch áp dụng từ đầu tháng 8.
Tổng thống Trump đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại thông qua việc đưa ra mức thuế quan từ 25% đối với 14 quốc gia. Tuy nhiên, với ngày hiệu lực của thuế quan được lùi lại đến ngày 1/8, các quốc gia này đang tập trung vào khung thời gian ba tuần tới để thúc đẩy một chặng đường dễ dàng hơn về hoạt động thương mại.
Áp lực đàm phán trước thời hạn 1/8 đang gia tăng
Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho biết ông lạc quan rằng nhiều thỏa thuận thương mại hơn có thể được ký kết trước khi kết thúc tuần này. "Tuy nhiên, các quốc gia khác có trách nhiệm phải đưa ra những nhượng bộ để thuyết phục tổng thống rằng các thỏa thuận này xứng đáng với Mỹ", ông cho biết.
Theo nhà đàm phán thương mại hàng đầu Nhật Bản Ryosei Akazawa, Nhật Bản muốn nhận được sự nhượng bộ cho ngành công nghiệp ô tô lớn của mình. Ông Akazawa cho biết ông đã có cuộc điện đàm kéo dài 40 phút với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, trong đó hai bên đã nhất trí tiếp tục đàm phán một cách tích cực. Tuy nhiên, ông cho biết ông sẽ không hy sinh ngành nông nghiệp của Nhật Bản chỉ để đạt được một thỏa thuận sớm.
Hàn Quốc cho biết họ có kế hoạch tăng cường các cuộc đàm phán thương mại trong những tuần tới "để đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên".
Trong khi đó, khi được hỏi liệu thời hạn mới nhất có chắc chắn không, Tổng thống Trump cho biết vào đầu tuần này rằng: "Tôi sẽ nói là chắc chắn nhưng không phải chắc chắn 100%. Nếu họ gọi điện và nói rằng chúng tôi muốn làm điều gì đó theo cách khác, chúng tôi sẽ cởi mở với điều đó".
Theo báo cáo của Morgan Stanley, nếu mức thuế quan mới có hiệu lực, mức thuế quan trung bình đối với châu Á sẽ tăng lên 27%. Báo cáo cũng lưu ý có khả năng rằng Mỹ sẽ áp dụng thuế quan cụ thể cho từng ngành, chẳng hạn như đối với hàng nhập khẩu dược phẩm.
"Quan điểm cốt lõi của chúng tôi vẫn là: sự bất ổn có khả năng sẽ tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp, chi phí vốn và chu kỳ thương mại", báo cáo cho biết.
Cũng theo báo cáo, diễn biến hiện tại đang "chỉ ra rằng hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực sẽ có thể đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8".
Morgan Stanley cho biết: "Nhật Bản và Hàn Quốc có thể không thể đàm phán để giải quyết các vấn đề như thuế ô tô và sản phẩm nông nghiệp đối với Nhật Bản; giảm thuế ô tô và thép đối với Hàn Quốc", đồng thời nêu bật các lĩnh vực quan trọng đối với cả hai nền kinh tế châu Á.
Theo BMI, thông báo mới nhất của Tổng thống Trump cho thấy "một cách tiếp cận khá thực tế" nhằm cho các nền kinh tế đang khó để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ có thêm thời gian, xét đến những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu từ một sự leo thang căng thẳng thương mại khác.
"Do các cuộc đàm phán này có thể trở nên phức tạp, một số thỏa thuận thương mại có thể mơ hồ về chi tiết và có thể trở thành 'khuôn khổ thương mại' thay vì là một thỏa thuận…Ngoài ra, chúng tôi không loại trừ khả năng trì hoãn một số thỏa thuận đến tháng 9 hoặc tháng 10, trong khi các chi tiết cuối cùng có thể mất nhiều thời gian hơn để được thống nhất hoàn toàn trong một số trường hợp", báo cáo của BMI cho biết.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đi ngang hoặc tăng nhẹ vào thứ Ba (8/7) khi các nhà đầu tư đón nhận diễn biến mới nhất trong câu chuyện thuế quan, nhưng đồng yên đã giảm trước viễn cảnh áp thuế đối với hàng hóa Nhật Bản. Trong khi đó, các nhà kinh tế cảnh báo rằng các tranh chấp thuế quan kéo dài có nguy cơ kìm hãm tăng trưởng và đẩy giá lên cao, là vấn đề thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách.
"Mối đe dọa liên tục về mức thuế quan cao hơn làm gia tăng rủi ro đình lạm ở Mỹ và gây áp lực buộc châu Âu phải kích thích nhu cầu trong nước hơn nữa để bù đắp cho những trở ngại trong thương mại quốc tế", David Kohl, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Julius Baer cho biết.
Mặt khác, Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8 với các cuộc đàm phán tập trung vào tái cân bằng và nhượng bộ cho một số ngành xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Lars Klingbeil đã cảnh báo rằng EU đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa nếu cần thiết.
"Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận thương mại công bằng với Mỹ, EU sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó", ông Klingbeil cho biết.
Một số nguồn tin của EU cho biết vào đầu tuần này rằng EU đã gần đạt được thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump. Điều này có thể bao gồm các nhượng bộ hạn chế đối với mức thuế cơ bản của Mỹ là 10% đối với máy bay và phụ tùng, một số thiết bị y tế và rượu.
Kiran Ganesh, chiến lược gia đa tài sản tại Văn phòng đầu tư chính của UBS Global Wealth Management cho biết, điều đáng chú ý là EU chưa nhận được một lá thư, nên có khả năng là vì một thỏa thuận đã gần kề.
Mức thuế cao đối với nhiều quốc gia
Về các mức thuế mới mà Tổng thống Trump đưa ra, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Tunisia, Malaysia và Kazakhstan; mức thuế 30% đối với Nam Phi, Bosnia và Herzegovina; mức thuế 32% đối với Indonesia; mức thuế 35% đối với Serbia và Bangladesh; mức thuế 36% đối với Campuchia và Thái Lan; và mức thuế 40% đối với Lào và Myanmar.
Trong khi đó, Campuchia đã ca ngợi việc Mỹ giảm thuế suất đối với nước này từ 49% xuống 36% là một thành công to lớn và cho biết họ đang tìm cách đàm phán để cắt giảm thêm thuế quan.
Thuế quan là vấn đề đối với ngành may mặc và giày dép của Campuchia vì đây là ngành sử dụng nhiều lao động và là động lực lớn nhất của nền kinh tế nước này.
Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu chính của ngành may mặc của Bangladesh, ngành chiếm hơn 80% thu nhập xuất khẩu và tạo việc làm cho 4 triệu người.
"Đây thực sự là tin gây sốc đối với chúng tôi…Chúng tôi thực sự hy vọng mức thuế quan sẽ ở mức từ 10-20%. Điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp của chúng tôi”, Mahmud Hasan Khan, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho biết.