Chật vật nguồn vốn cho tín dụng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất huy động tăng, hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn hẹp…, đang là thách thức của các tổ chức tín dụng trong việc cung ứng tín dụng xanh.
Hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Nỗ lực tăng dư nợ tín dụng xanh

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cho biết, giai đoạn này thực sự rất khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước trước tác động của kinh tế thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không nằm ngoài vòng xoáy tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đang gượng dậy, cần vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh thì gặp trở ngại lớn là lãi suất cao.

“Các doanh nghiệp đều đang cố gắng hết sức để đi qua giai đoạn này và REE không nằm ngoài những khó khăn chung, nhưng có chút thuận lợi hơn bởi được HSBC Việt Nam thực hiện thu xếp khoản tín dụng xanh trị giá 900 tỷ đồng có kỳ hạn 7 năm”, lãnh đạo REE nói.

Tương tự, một lãnh đạo của Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo (Việt Nam) cho hay, thời điểm này càng thấy giá trị của gói tín dụng do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cấp với hạn mức 13,5 triệu USD, đáp ứng nhu cầu về vốn lưu động của doanh nghiệp.

Được biết, đây là nguồn vốn tài trợ thương mại liên kết bền vững. Theo đó, Ngân hàng cam kết sẽ ưu đãi tài chính cho Leo Việt Nam nếu Công ty đạt được các mục tiêu thực thi bền vững đề ra. Còn phía Leo Việt Nam cam kết sẽ giảm khối lượng chất thải nguy hại và tổng cường độ chất thải xuống mức cam kết trong khoảng thời gian nhất định.

Các ngân hàng trong nước cũng không đứng ngoài cuộc cung ứng tín dụng xanh. Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, tính tới 30/09/2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh với 1.210 khách hàng và dự án, tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng xanh khoảng 49.000 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ tại BIDV. Với giả định tốc độ tăng trưởng thị trường không đổi, đến năm 2025, danh mục cho vay của BIDV cho các lĩnh vực xanh và bền vững sẽ đạt dư nợ 3 tỷ USD, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ tại BIDV.

Cụ thể hơn, dư nợ tín dụng xanh của BIDV tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 800 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với tổng số tiền cấp tín dụng hơn 53.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 97% dư nợ tín dụng xanh. Tính riêng các dự án điện gió, điện mặt trời có quy mô vay vốn trên 500 tỷ đồng, trong giai đoạn 2020 - 2021, BIDV đã tài trợ 25 dự án với tổng số tiền cho vay xấp xỉ 23.400 tỷ đồng.

“Với chiến lược giảm dần nguồn vốn tài trợ cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch, BIDV đã không tiếp cận và tài trợ cho các dự án điện than. Từ năm 2018 đến 2021, dư nợ của BIDV cho các dự án điện than đã giảm hơn 53%. Theo lộ trình, đến năm 2035, BIDV sẽ không còn dư nợ cho các dự án nhiệt điện, điện than”, ông Trần Long nói.

Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp sạch.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhận xét: “Ngành ngân hàng có vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Việc triển khai các giải pháp từ ngành sẽ định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững”.

Theo bà Giang, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân hơn 25%/năm. Đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt trên 474.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo (chiếm 47%) và nông nghiệp sạch (32%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro đạt 2,283 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.

Cần có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng cung ứng tín dụng xanh

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 12/2021, có 25 ngân hàng thương mại thực hiện gói tín dụng xanh như Sacombank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, Viet A Bank, Nam A Bank, OCB, HDBank, HSBC, Standard Chartered…

Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: “Tín dụng xanh mới chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn, do các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn đủ lớn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo”.

Nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng có tâm lý cẩn trọng khi cấp tín dụng lĩnh vực xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo được ông Quỳnh chỉ rõ là do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 9/84 tổ chức tín dụng có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh, thường là ưu đãi về lãi suất.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoà, Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước đánh giá, từ nội tại của các ngân hàng thương mại, thiếu vốn là khó khăn hàng đầu của các ngân hàng. Việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là năng lượng tái tạo, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, rủi ro thị trường cao.

“Trong khi đó, việc huy động tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh còn hạn chế, thị trường trái phiếu xanh mới chỉ bắt đầu hình thành. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế gặp nhiều khó khăn”, bà Hoà nói.

Để có được nguồn tài chính ổn định phục vụ cho việc cấp tín dụng xanh, đại diện TPBank chia sẻ, ngoài việc huy động vốn bằng các kênh truyền thống, Ngân hàng nỗ lực tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế với lãi suất hấp dẫn để tài trợ cho các phương án, dự án xanh. Hiện nay, TPBank đã được một số tổ chức tài chính quốc tế cấp hạn mức/hợp tác như ADB (120 triệu USD), IFC (100 triệu USD và 60 triệu USD), ADB & DEG (50 triệu USD), GCPF (20 triệu USD)... Ngân hàng sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác.

Để giải quyết khó khăn về vốn cho lĩnh vực xanh, bà Thu Giang đề xuất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Bên cạnh đó, phát triển thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

“Đặc biệt, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh”, bà Thu Giang nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục