Mới đây, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty TNHH Trang thiết bị và vật tư y tế Hoàng Việt Long và CTCP Bệnh viện Đông Đô.
Theo hồ sơ, Công ty Hoàng Việt Long từng là nhà phân phối chính sản phẩm khung giá đỡ động mạch vành loại bọc thuốc (Everolimus) Xience Preime tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Khi đó, Công ty Hoàng Việt Long cung cấp sản phẩm trên cho Bệnh viện Đông Đô nhưng hai bên không ký hợp đồng bằng văn bản. Đến năm 2012, khi công nợ lên đến hơn 1,6 tỷ đồng thì hai bên mới ký kết hợp đồng.
Ngày 1/9/2012, hai bên ký hợp đồng nguyên tắc nhưng chỉ có giá trị đến hết ngày 31/12/2012.
Tuy nhiên, sau khi hợp đồng hết hiệu lực, Công ty Hoàng Việt Long vẫn xuất hóa đơn vào tháng 2/2013 và tháng 12/2013. Theo đó, đến ngày 31/12/2013, Công ty Hoàng Việt Long đã xuất cho Công ty Đông Đô hàng hóa giá trị hơn 2,8 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Đông Đô trả nợ nhưng “nhỏ giọt”.
Do đó, Công ty Hoàng Việt Long khởi kiện ra tòa án, đề nghị buộc Công ty Đông Đô trả nợ gốc và lãi là hơn 2,4 tỷ đồng.
Quá trình xét xử sơ thẩm, đại diện Bệnh viện Đông Đô cho biết, khoản công nợ tồn đọng với Công ty Hoàng Việt Long phát sinh từ 7 năm trước nên những lãnh đạo của công ty có liên quan đều đã nghỉ công tác. Bệnh viện Đông Đô kinh doanh thua lỗ các năm qua nên gặp khó khăn trong việc cân đối tài chính. Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn kế thừa công nợ.
Theo Bệnh viện Đông Đô, các bảng chi tiết công nợ, đề nghị xác nhận công nợ và thanh toán tiền không có đại diện của các bên ký xác nhận. Do đó, các tài liệu này không phải là cơ sở pháp lý để các bên tiến hành đối chiếu công nợ. Ban lãnh đạo mới của bệnh viện đã gửi đơn tố cáo sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi mua bán có dấu hiệu gian lận (không có chứng từ mua bán và giao hàng thực tế). Nhưng do bệnh viện đang phải bổ sung tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra nên chưa xuất trình “giấy biên nhận hồ sơ gửi đơn cho cơ quan điều tra”.
Năm 2021, tòa sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Việt Long, buộc Bệnh viện Đông Đô phải thanh toán nợ gốc và lãi cho Hoàng Việt Long số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Bệnh viện Đông Đô kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Theo đơn kháng cáo, Công ty Hoàng Việt Long đã không cung cấp được các chứng từ giao nhận hàng hóa, hồ sơ liên quan đến nguồn gốc lô hàng kèm theo 10 hóa đơn. Việc mua hàng hóa và đối chiếu công nợ giữa hai bên là không có giá trị. Ngoài ra, có 6 hóa đơn không nằm trong thời hạn của hợp đồng nguyên tắc ngày 1/9/2012 và có dấu hiệu của hành vi mua, bán hóa đơn.
Mặt khác, theo Bệnh viện Đông Đô, có 2 hóa đơn không kê khai và nộp thuế nhưng hai bên vẫn đối chiếu công nợ. Bệnh viện đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Hoàng Việt Long và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Trong khi đó, Hoàng Việt Long cho biết, Công ty đã nộp đầy đủ các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và phiếu nhập kho. Hai bên nhiều lần đối chiếu công nợ và đưa ra các phương án trả nợ.
Quá trình xét xử phúc thẩm, tòa án lấy bản khai của ông Nguyễn Văn Mão – cựu Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đông Đô – người đã ký giấy đề nghị xác nhận công nợ và thanh toán tiền với Công ty Hoàng Việt Long (từ năm 2012 - 2013). Ông Mão cho biết, việc ký giấy tờ trên là đúng sự thật.
Tòa phúc thẩm cho rằng, Bệnh viện Đông Đô đã thừa nhận khoản nợ với Công ty Hoàng Việt Long. Ngày 1/6/2021, Bệnh viện Đông Đô do ông An Thành Vĩnh – Giám đốc đại diện còn ký biên bản thảo thuận với nội dung “xác nhận đến ngày 24/8/2020 bên A còn nợ bên B số tiền hơn 1,5 tỷ đồng”. Do đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của Bệnh viện Đông Đô.
Tuy nhiên, theo cấp phúc thẩm, do có một số hóa đơn mà hai bên không ký hợp đồng nên không có căn cứ về việc phạt lãi do chậm thanh toán.
Sau khi xem xét lại, tòa phúc thẩm tuyên buộc Bệnh viện Đông Đô còn phải trả cho Công ty Hoàng Việt Long số tiền hơn 1,9 tỷ đồng gồm nợ gốc 1,5 tỷ đồng và lãi là 481 triệu đồng.