Chất vấn, thông lệ và ngoại lệ

Nếu nhìn vào nhóm những vấn đề được dự kiến trong danh sách sẽ tiến hành chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, thì dường như vẫn theo thông lệ, trong khi thực tế cuộc sống đang đòi hỏi những ngoại lệ.
Chất vấn, thông lệ và ngoại lệ

Kỳ họp này của Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, như thông lệ. Đây là nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm, bởi thông qua phát thanh, truyền hình trực tiếp, vừa có thể giám sát được hoạt động của các vị đại diện cho mình, nhưng quan trọng hơn, vừa có thể biết được những vấn đề nóng của kinh tế, xã hội có nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp khắc phục thế nào.

Thời gian thì có hạn, kiến nghị của cử tri rất phong phú, đa dạng, sự quan tâm của đại biểu Quốc hội cũng thế. Bởi vậy, chọn vấn đề nào và ai trả lời chất vấn, chưa bao giờ là chuyện dễ dàng.

Vì thế, quá trình chuẩn bị thường khá dài. Ngày 6/4/2023, Tổng thư ký Quốc hội gửi công văn đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ năm.

Đến ngày 9/5, Tổng thư ký Quốc hội nhận được văn bản của 60 đoàn đại biểu Quốc hội với 136 nhóm vấn đề chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp các thông tin liên quan, chọn 5 nhóm vấn đề đề nghị các vị đại biểu chọn 4 để tiến hành chất vấn.

Các nhóm vấn đề lần lượt thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tư pháp, dân tộc, lao động, thương binh và xã hội, giao thông - vận tải.

Phiếu xin ý kiến, theo thông lệ, luôn có “đất” để các vị đại biểu bày tỏ “ý kiến khác”. Nhưng, cũng theo thông lệ, thì gần như sẽ không có người mới được bổ sung vào danh sách dự kiến.

Nếu nhìn vào đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, thì dự kiến này khá hợp lý, bởi số đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn các lĩnh vực trên lần lượt là 28 - 20 - 9 - 16 - 22. Ngoại trừ lĩnh vực dân tộc, các lĩnh vực còn lại đều có số lượng đoàn đề xuất cao hơn nhiều với các lĩnh vực còn lại (28 cũng là con số cao nhất).

Chưa kể, trong số này, nếu được chọn thì chỉ có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đăng đàn ở Kỳ họp thứ hai; 4 vị còn lại đều là “tân binh”.

Mà, một trong những tiêu chí để lựa chọn theo Quy chế Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội là “không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn”. Nhưng tiêu chí được đặt lên hàng đầu ở Quy chế đó: “Là vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm”.

Đương nhiên, cả 5 nhóm vấn đề được dự kiến, ở mức độ khác nhau ít nhiều đều đáp ứng (phần nào) tiêu chí trên.

Nhưng nếu xếp theo thứ tự ưu tiên của những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thì những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, né tránh, sợ trách nhiệm, rồi điều hành giá điện, phát triển năng lượng tái tạo… dường như cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội, có đến 16 đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất 9 nhóm vấn đề chất vấn lĩnh vực công thương. Trong đó, có 6 đoàn cùng đề xuất chất vấn việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo; thực trạng, giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Rồi trách nhiệm và giải pháp của Bộ Công thương đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hàng ngàn tỷ đồng đang bị “đắp chiếu” cũng là vấn đề được đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng mới chỉ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022), chưa một lần trả lời tại kỳ họp Quốc hội nào.

Thế nên, một số vị đại biểu Quốc hội khá ngạc nhiên khi lĩnh vực công thương nằm ngoài 5 nhóm dự kiến.

“Hầu hết các nhóm vấn đề đều khá ‘nguội’, trong khi giữa hai kỳ họp lại có biết bao vấn đề nóng cần được chất vấn để làm rõ trách nhiệm”, một vị đại biểu chia sẻ và cho biết, 17h ngày 22/5 là hạn cuối gửi lại phiếu xin ý kiến, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. “Vì những nhóm vấn đề tôi muốn chất vấn đều không có trong danh sách được dự kiến”, vị này chia sẻ.

Sở dĩ hoạt động chất vấn được cử tri đặc biệt quan tâm là bởi, yêu cầu đối với người trả lời chất vấn là phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có). Do đó, Quốc hội nên linh hoạt trong tiêu chí chọn người trả lời chất vấn từng là quan điểm nhiều lần được các vị đại biểu Quốc hội đề cập.

Linh hoạt, nghĩa là trong điều kiện có những vấn đề nóng, thì hoàn toàn có thể chất vấn bất cứ vị tư lệnh ngành nào có liên quan, không nên quá gò bó bởi những tiêu chí “cứng”.

Hoạt động chất vấn ở những khoá trước từng có chuyện trong một nhiệm kỳ, có thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tới 4 lần, trong khi một số vị khác không xuất hiện ở “ghế nóng” bất kỳ lần nào. Rồi cũng có vị hai kỳ họp liên tiếp được chọn trả lời trực tiếp, bởi những “món nợ” chưa trả được còn quá nhiều và cuộc sống vẫn chờ câu trả lời thoả đáng hơn.

Đó phải chăng cũng là ngoại lệ đáng để tham khảo, khi lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đương nhiệm đã họp 4 kỳ bất thường và không ít lần đưa ra những quyết định chưa từng có tiền lệ, để kéo gần hơn khoảng cách từ cuộc sống đến nghị trường. Nghĩa là, ngoại lệ cũng có thể tiến sát đến thông lệ, khi đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, và tất nhiên, được đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục